TP.HCM lo chìm tàu, lật đò trong cao điểm mùa mưa bão

Đó là ý kiến của ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, sáng nay 17-6 tại cuộc làm việc với các cơ quan quản lý, chủ bến, chủ tàu khách, tàu du lịch trên địa bàn TP.

Nơi để áo phao bên mạn đò trở thành nơi trốn nắng mưa của người đi đò.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, nỗi lo chìm tàu, lật đò, chết nhiều người có thể sẽ xảy ra trên sông nước Sài Gòn là có thực và vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 ở Đà Nẵng là bài học lớn về công tác quản lý nhà nước, về sử dụng phương tiện và người lái.

Đò chìm, tàu lật ai chịu trách nhiệm

Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện có 85 bến các loại không phép nhưng vẫn hoạt động; trong đó có 12 bến nằm trong hành lang bảo vệ cầu, trên luồng chạy tàu…, 10 bến không phép nhưng hoạt động lén lút nhất là vào lúc vắng lực lượng kiểm tra… cùng với đó là hàng trăm phương tiện chở người hoặc chở hàng hóa không đăng ký, đăng kiểm… Có ý kiến cho rằng nếu đò chìm, tàu lật, chết người xảy do những loại bến, tàu, người lái này thì ai là người chịu trách nhiệm? Báo cáo cũng cho rằng, công an TP chưa xử lý nghiêm những đối tượng trên đây, công tác kiểm tra mới chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền), thay vì xử lý dứt điểm, không cho tồn tại…

Thượng tá Nguyễn Hữu Thống, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy (PC 68- Công an TP).

Không đồng tình với những ý kiến trên, thượng tá Nguyễn Hữu Thống, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy (PC 68- Công an TP) cho rằng PC 68 có thường xuyên kiểm tra, xử lý các bến và người lái không phép, bằng lái không phù hợp, ghe, tàu không đăng kiểm…Nhưng tại các bến không phép, khi bị kiểm tra thì chủ bến, chủ tàu thường lánh mặt. “Còn kéo phương tiện đi để tạm giữ, xử lý thì càng khó vì CSGT phải huy động đầu kéo khác và bến lưu giữ cũng không có đủ sức chứa các loại tàu, xà lan đó!” – Thượng tá Thống nói.

Nguy cơ từ vùng tiếp giáp sông biển

Một vấn đề đáng lo ngại khác là hoạt động của các bến vận chuyển hành khách cập mạn tàu biển. Tàu neo ở ngoài phao, ghe tàu nhỏ cập mạn lên xuống khách hoặc chở hàng hóa quá tải, quá số người là trách nhiệm của Cảng vụ Hàng hải. Nhưng khi ghe, tàu nhỏ rời tàu lớn đi vào luồng, bến của cảng vụ đường thủy nội địa thì đơn vị này không thể xử lý được vì lý lẽ chủ tàu đưa ra là tôi đã bị kiểm tra, cho phép của Cảng vụ hàng hải.

Nhiều ý kiến cho rằng vùng tiếp giáp và chuyển tiếp giữa hàng hải và đường sông như trên khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao và trực tiếp đến các vụ tai nạn giao thông đường thủy. Một ví dụ nhỏ, khi  thủy thủ tàu biển xuống tàu sông vào bờ thì ai là người kiểm tra, xử lý việc họ không mặc áo phao?

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP .

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP cho rằng, khi đưa khách từ tàu lớn vào bờ hoặc ngược lại thì bà con chủ tàu nên nhắc họ mặc áo phao. “Có bà con chủ tàu hỗ trợ thì pháp luật mới được thực thi nghiêm. Chứ cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi rất  khó thực thi, làm hết trách nhiệm công vụ ngành mình!” – Ông Nam nói.

Theo Sở GTVT, hiện TP có 31 bến khách ngang sông. Dù chưa xảy ra vụ tai nạn nào nhưng đây là những điểm đen về an toàn giao thông đường thủy với các biểu hiện phổ biến là chủ đò, bến dễ dãi cho khách lên đò, tàu qua sông mà không buộc họ phải mặc áo phao…

Đò đã rời bến nhưng nhiều khách vẫn không mặc áo phao và ngồi vắt vẻo trên xe máy ở gần nơi mỏ bàn phà.

Quan ngại lớn nhất là hiện TP có khá nhiều bến hoạt động mang tính phục vụ hộ gia đình nên công tác quản lý rất khó khăn.
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa, nếu đã được hướng dẫn các quy định về quản lý ghe, thuyền, về giờ rời - cập bến mà chủ bến, chủ ghe không thực hiện thì mọi sự cố tai nạn xảy ra họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật…

Chớ thanh, kiểm tra nhiều lần

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, chủ bến, chủ tàu phản ánh trong thời gian ngắn họ bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần, nhiều đoàn, hết CSGT đường thủy đến Thanh tra GTVT, Cảng vụ… nên không có tâm trí, thời gian lo làm ăn. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT tới đây cần hạn chế các cuộc thanh, kiểm tra đơn lẻ của từng đơn vị như vậy mà cần có sự phối hợp giữa các đơn vị trên và có kế hoạch cụ thể. “Thanh, kiểm tra là để giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo đúng pháp luật chứ không phải để làm khó họ!”- Ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới