TP.HCM mời gọi đầu tư 28 dự án tăng trưởng xanh

(PLO)- TP.HCM mời gọi đầu tư 28 dự án then chốt, cấp bách nhằm tạo bước phát triển đột phá cho TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM đã công bố danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM diễn ra vào ngày 24-1.

Kêu gọi đầu tư 28 dự án hạ tầng, bán dẫn...

Trong 28 dự án nêu trên có nhiều dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn; sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dự án trung tâm dữ liệu.

Cụ thể, có ba dự án sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn trên diện tích 5,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.100 tỉ đồng; ba dự án nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn cần nguồn vốn 213 tỉ đồng.

Riêng dự án trung tâm dữ liệu trên diện tích 3 ha có vốn đầu tư 6.950 tỉ đồng.

đầu tư
TP.HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược ưu tiên hàng đầu để kinh tế thịnh vượng, môi trường bền vững và công bằng xã hội. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy vậy, các dự án có vốn đầu tư lớn nhất thuộc về lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, ưu tiên, hoàn thành trước năm 2030.

Điển hình là dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với quy mô hơn 19.800 tỉ đồng; dự án đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường vành đai 2 từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương) với 15.400 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh với số vốn 10.569 tỉ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 với 13.850 tỉ đồng.

Đồng thời, TP.HCM tiếp tục kêu gọi đầu tư vào một số dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, đáng chú ý là khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng với diện tích 7,7 ha, tổng mức đầu tư 12.071 tỉ đồng; quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 5.348 tỉ đồng.

Ngoài ra, TP dự kiến kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị.

Ví dụ, dự án chợ Gà, chợ Gạo; xây dựng lại lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt, chung cư 155-157 Bùi Viện, chung cư 90-98 Nguyễn Huệ, chung cư 62 Trần Hưng Đạo (quận 1); xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực phía tây TP.

Cần Giờ tiên phong thực hiện mục tiêu net zero

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết để huyện Cần Giờ trở thành địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035, huyện đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực.

Cụ thể, huyện phối hợp với Sở TN&MT xây dựng phương án xử lý chai nhựa, tái chế nhựa; quy đổi các giải pháp xanh ra tín chỉ carbon.

Song song đó, phối hợp với Sở GTVT tập trung đầu tư xây dựng giao thông xanh, mô hình phát triển đô thị sinh thái bền vững, đô thị thông minh và phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Trước mắt là tuyến giao thông đường thủy từ trung tâm TP (bến Bạch Đằng) - phà Bình Khánh và xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ (Sharing) từ phà Bình Khánh đi các điểm trong huyện Cần Giờ.

Ngoài ra, huyện đề xuất TP cho phép thí điểm điện áp mái cho công sở, tư nhân và bãi muối. Mời gọi nhà đầu tư điện gió ngoài khơi huyện Cần Giờ và giải pháp điện sinh khối từ xử lý rác.

UBND huyện Cần Giờ cũng đang phối hợp triển khai các dự án quốc gia: Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha.

hinhtieudiem TUUYEN.jpg
Huyện Cần Giờ thực hiện xử lý chai nhựa, tái chế nhựa; quy đổi các giải pháp xanh
ra tín chỉ carbon. Ảnh: TÚ UYÊN

Việc kêu gọi thực hiện các dự án trên có ý nghĩa an sinh xã hội, kinh tế rất lớn, tạo ra cuộc sống mới cho cộng đồng dân cư rộng lớn, có ý nghĩa về mặt môi trường, phát triển xã hội xanh và bền vững.

Đề xuất khu công nghệ xanh đầu tiên của Việt Nam

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2045 trở thành tiểu khu đô thị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạt nhân của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP”.

Theo ông Thi, để thực hiện mục tiêu này, Khu công nghệ cao xây dựng các tiêu chí tuyển chọn dự án đầu tư. Đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các khung khổ triển khai thí điểm các công nghệ mới tại Khu công nghệ cao TP.HCM phù hợp với định hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

“Chúng tôi đề xuất TP xem xét, bổ sung chính sách thí điểm và lộ trình xây dựng Khu công nghệ cao TP.HCM trở thành khu đô thị xanh và thông minh trước năm 2030. Đồng thời đề xuất các dự án hỗ trợ kỹ thuật, giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu trên” - ông Thi nhấn mạnh.

Sở GTVT TP.HCM cho biết đã đặt ra mục tiêu kêu gọi đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách, ưu tiên, hoàn thành trước năm 2030 (chín dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 4,235 tỉ USD).

Bên cạnh đó, sở thúc đẩy phát triển hợp lý các phương thức vận tải, chú trọng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát xe cá nhân. Thực hiện chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ quan điểm quản lý chính sách, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng với các công cụ thể chế đặc thù của Nghị quyết 98, TP sẽ huy động hiệu quả hơn các nhóm nguồn lực, thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng xanh tại TP.HCM.

Đơn cử, TP huy động sự tham gia của các nhà đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỉ đồng trở lên.

TP.HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Theo đó, TP.HCM đã xây dựng khung chính sách tăng trưởng xanh TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Nghị quyết 98 là công cụ thể chế đắc lực để TP.HCM phát triển chương trình tín chỉ carbon, bán cho công ty nước ngoài; góp phần vào kế hoạch hoàn thành mục tiêu cam kết net zero (phát thải ròng bằng 0) của Việt Nam vào năm 2050.

TP đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư tăng trưởng xanh chính là bước đi cụ thể hóa mục tiêu phát triển xanh của TP.

Bà Carolyn Tuck, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định: “Mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 của TP.HCM đầy tham vọng nhưng chúng tôi tin TP có thể thực hiện được. Quan trọng là TP.HCM cần một chiến lược phù hợp để trở thành TP xanh, sạch của ASEAN”.

Từ góc nhìn tài chính, chuyên gia của WB đề xuất hướng tiếp cận vấn đề xanh, sau đó là cách giải quyết thách thức về tài chính.

Theo đó, đối với các chuỗi cung ứng xanh, đầu tư mới, TP cần hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư cơ bản. Đồng thời, cần có hành động phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, sở một cách đồng bộ từ góc độ của toàn TP thay vì từng ngành riêng rẽ.

Do vai trò xanh hóa chuỗi cung ứng tư nhân là rất cần thiết, TP.HCM phải có cơ chế khuyến khích, tạo động lực, trong đó có ưu đãi thuế. Ví dụ, doanh nghiệp tư nhân sản xuất xanh sẽ được áp dụng cơ chế này, tùy vào nguồn lực của quốc gia.

“Đây là thách thức của TP.HCM nhưng cũng là cơ hội của WB” - bà Carolyn Tuck nói. Cụ thể, hai bên đã thực hiện chương trình đầu tiên, đạt được một số kết quả như gói đầu tư 650 triệu USD cho chương trình đầu tư 10 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm