Sáng nay (15-7), Thành ủy TP.HCM tổ chức sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, cho rằng nửa nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế TP.HCM dần bộc lộ rõ những bất cập, các chỉ số suy giảm do nhiều yếu tố tác động cả bên ngoài lẫn bên trong.
TP.HCM cần nhận diện rõ những thách thức để có giải pháp phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác trong nửa nhiệm kỳ còn lại đúng với mục tiêu mà nghị quyết đã đặt ra. Trong đó, TP cần tăng tốc thực hiện các dự án trọng điểm để mở ra một không gian đô thị mới, đồng thời giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trong lĩnh vực bất động sản, cải cách bộ máy…
TS Trương Minh Huy Vũ. Ảnh: NHẬT DIỄM |
Ba nguyên nhân khiến kinh tế TP.HCM suy giảm
. Phóng viên: Đã qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI, ông có những đánh giá gì về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của TP?
+ TS Trương Minh Huy Vũ: Thời gian khoảng 2,5 năm đầu nhiệm kỳ có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 2020-2021, TP.HCM chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt trong năm 2021, TP phải tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với đại dịch.
Một năm sau đó, TP bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Phải nói trong năm 2022, TP đã dồn lực để tập trung vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế và mạnh dạn mở cửa kinh tế trở lại.
Khi kinh tế TP dần khởi sắc thì đầu năm 2023 lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tác động của nền kinh tế thế giới và cả những biến động trong nước. Điều này khiến cho kinh tế TP dần chậm lại, kết thúc quý I-2023 chỉ tăng trưởng 0,7%. Các tín hiệu phục hồi thực sự chỉ mới xuất hiện trong đầu quý II vừa qua.
Kinh tế bị tác động mạnh kéo theo nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết. Vì vậy, những chương trình, đề án trọng điểm đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM XI ngay từ đầu nhiệm kỳ cũng chậm trễ, có nhiều hạn chế nhất định. Ngoài ra, kinh tế TP.HCM còn chịu những “cú sốc” từ bên ngoài.
Kết quả của nửa nhiệm kỳ vừa qua cần đặt trong bối cảnh chung như vậy để thấy sự sụt giảm về kinh tế đều có nguyên nhân.
Năng suất lao động của TP.HCM thời gian gần đây có dấu hiệu thấp dần. Ảnh minh họa: TTXVN |
. Ngoài tác động bên ngoài, ông có thể chỉ rõ thêm những nguyên nhân chủ quan khiến kinh tế TP giảm nhiệt trong nửa nhiệm kỳ qua?
+ Trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế TP.HCM đã dần lộ rõ các dấu hiệu suy yếu dần với ba nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, dù kinh tế có tăng trưởng nhưng các chỉ số tăng trưởng của năm sau lại không cao hơn năm trước. Thứ hai, năng suất lao động có dấu hiệu thấp dần.
Thứ ba, dù quy mô, chuyển dịch kinh tế tốt theo hướng công nghiệp dịch vụ nhưng đặt trong tổng thể vùng Đông Nam Bộ thì kinh tế TP dần mất đi lợi thế là địa phương đi đầu, tiên phong trong phát triển kinh tế. Điều này cũng đã được Bộ Chính trị nhìn thấy và chỉ rõ.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, TP.HCM cũng dần lộ rõ những vấn đề còn tồn đọng chưa thể giải quyết dứt điểm. Những chương trình, đề án trọng điểm như khu đô thị mới Thủ Thiêm, là dự án Bình Quới - Thanh Đa hay tuyến metro số 1… được kỳ vọng góp phần tích cực vào phát triển xã hội - kinh tế TP, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thể hoàn tất, chưa đưa vào hoạt động, thậm chí có dự án chưa hình thành ngoài thực tế. Chính sự chậm trễ này khiến kinh tế TP cũng giảm sút theo.
TP.HCM rất cần một lộ trình, chiến lược cụ thể để phát triển đồng bộ về đô thị, dân số, chiến lược về mô hình kinh tế, liên kết vùng… ít nhất trong 5-10 năm tới. Trong ảnh: Dự án cao tốc Long Thành - Dầu Giây đang được tiến hành xây dựng. Ảnh: NHẬT TIẾN |
Làm thật tốt những cơ chế Nghị quyết 98 đã trao
. Vậy giải pháp căn cơ nào để chính quyền TP có thể hoàn thành mục tiêu mà nghị quyết đã đặt ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại, thưa ông?
+ Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được ban hành. Nhiệm vụ trước mắt và quan trọng nhất, cũng là thách thức của TP.HCM là làm cho bằng được và làm tốt những cơ chế, chính sách đã được trao cho.
TP.HCM cần phân rõ việc cần làm trước mắt và lâu dài, từng giai đoạn chỉ tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể. Hiện tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng nên TP.HCM cần củng cố những nền tảng phát triển quan trọng đã thực hiện được trong những năm vừa qua.
Cũng trong 2,5 năm qua, TP cũng chưa giải quyết được triệt để điểm nghẽn của các dự án. Vì vậy, trọng tâm và cấp bách là cần tập trung hoàn thiện nhanh, sớm nhất có thể các dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, nút giao An Phú, hoàn thiện tuyến metro số 1… và các công trình xung quanh. Hay các dự án hạ tầng mà TP.HCM đặt ra để có thể khởi công trong thời gian tới như cầu Cần Giờ…
Mặt khác, TP cũng cần tháo gỡ, giải quyết cho được các phát sinh của doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản...
Và để bắt đầu xây dựng tốt nền móng tăng trưởng, TP cần bám sát các cơ chế, chính sách mà Nghị quyết 98 đã trao với bảy nhóm chính sách cụ thể. Tuy vậy, cũng cần lưu ý những cơ chế, chính sách này chỉ giải quyết phần nào các vấn đề phát sinh trong sự hình thành đô thị hoặc siêu đô thị TP.HCM. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, từ va chạm thực tiễn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 98 để rút ra những bài học, xem cần thêm những chính sách gì cụ thể.
Một vấn đề nữa là về hạ tầng giao thông, thực tế TP.HCM không thể nào tự tách mình ra khỏi liên kết vùng, trong đó quan trọng nhất là vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL. TP.HCM cần có chủ trương đầu tư cho một số dự án kết nối vùng, trong đó chú ý đến các dự án lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, tái khởi động dự án Long Thành - Bến Lức… Và khi định hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị đa trung tâm thì cần phải có quy hoạch rõ ràng.
TP.HCM rất cần một lộ trình chiến lược cụ thể để phát triển đồng bộ giữa các vấn đề về đô thị, dân số, chiến lược về mô hình kinh tế, về liên kết vùng, về huy động nguồn lực và cần đặt vào tổng thể của các nền tảng lâu dài, ít nhất trong 5-10 năm tới dựa trên các nghị quyết đã trao cho TP.HCM...
TP.HCM cần tập trung hoàn thiện các dự án giao thông như Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, nút giao An Phú… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội TP phát triển. Trong ảnh: Nút giao An Phú đang được thi công. Ảnh: ĐÀO TRANG |
. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đặt mục tiêu TP.HCM phải nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính; đồng thời đề ra một trong số bốn chương trình trọng điểm là đột phá về đổi mới quản lý nhưng cả hai chỉ số đó của TP.HCM hiện đều giảm. TP.HCM cần tập trung vào những biện pháp cụ thể nào để thực sự tạo được sự đột phá, đổi mới công tác quản lý, thưa ông?
+ Đây thực sự là một thách thức của chính quyền TP.HCM. TP cần bám theo các chỉ số hiện hữu có để cải tổ, hoàn thiện bộ máy. Với các chỉ số năng lực cạnh tranh nội bộ mà TP đã xây dựng, cần bám sát vào đó để tự soi, tự sửa, hoàn chỉnh bộ máy trước.
Theo tôi, đây sẽ là khó khăn cho TP.HCM trong hai năm tới. Tuy nhiên, TP phải làm, từng bước, từng việc một, giải quyết việc nào xong việc đó. Hãy làm với tinh thần như khi cả hệ thống cùng vào cuộc để thúc đẩy tiến độ đường vành đai 3.
Rõ ràng là lúc đầu cả hệ thống không bao giờ nghĩ có thể khởi công dự án vành đai 3 sớm như vậy nhưng cuối cùng chúng ta đã làm được.
. Xin cảm ơn ông.
Mở thêm không gian để doanh nghiệp tự do phát triển
Trước những khó khăn sau đại dịch, chính quyền TP vẫn luôn đồng hành, tháo gỡ nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp (DN). Dù vậy, tôi cũng mong TP.HCM có thể xem xét để có những tháo gỡ mạnh hơn, giúp DN sớm “khỏe” trở lại sau cơn bạo bệnh, nhất là về các thủ tục hành chính.
Tôi cho rằng Nghị quyết 98 mà Quốc hội vừa ban hành đã mở ra rất nhiều không gian để DN có thể phát triển. Do đó, nếu có sự giao thoa giữa hai không gian này thì phần nào cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế TP phát triển nhanh hơn.
TP.HCM cũng định hướng phát triển, đổi mới khoa học, công nghệ, thúc đẩy DN sáng tạo, về chuyển đổi số, về công nghệ, kể cả về kinh tế xanh… Nếu không thể tạo dựng được không gian đó, có cơ sở, hành lang pháp lý hiệu quả để đưa ra các quyết định hỗ trợ DN nhanh hơn thì rất khó tạo ra sự đột phá trong tương lai.
Nghị quyết 98 đã đưa ra các chính sách để thu hút thêm nguồn lực từ các DN đổi mới sáng tạo, các hoạt động đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, TP.HCM cần có nguồn tài chính để tập trung vào những lĩnh vực sáng tạo mang tính chiến lược của TP; có những chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách về thuế…
Ông PHẠM PHÚ TRƯỜNG, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM
*****
TP.HCM đứng trước nhiều áp lực
Trước đó, báo cáo tại Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM trên các lĩnh vực, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GRDP TP.HCM tăng bình quân khoảng 2%.
Trong đó, giai đoạn 2021-2022, kinh tế TP.HCM chịu cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề mọi mặt kinh tế - xã hội, bình quân GRDP chỉ tăng 1,58%. Sáu tháng đầu năm 2023, GRDP ước chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, TP.HCM vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là hơn 1,3 triệu tỉ đồng, đạt 109,18% so với dự toán…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận kinh tế TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức kéo dài, ngày càng gia tăng cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế. Quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với giữa nhiệm kỳ trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giảm 0,47%/năm (giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 7,74%/năm).
Các hoạt động của ngành ngân hàng nhìn chung có mức tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước, thậm chí có giai đoạn không tăng trưởng. Giải ngân đầu tư công chậm tiến độ, không đạt mục tiêu hàng năm.
Giai đoạn 2021-2022 ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỉ lệ vốn đầu tư trên GRDP, bình quân chỉ đạt 20,1% trong khi thời kỳ 2011-2020 đạt 31,8%. “Điều này cho thấy TP gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển TP, việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhiều hệ lụy về mặt xã hội và môi trường” - ông Hoan nhìn nhận.
Một điểm đáng chú ý là sự quá tải về hạ tầng kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng và gặp nhiều thách thức trên các lĩnh vực. Nguy cơ ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp...