Đây cũng là năm thứ hai TP.HCM triển khai thí điểm mô hình này tại các trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) nhằm hỗ trợ cho con em của các công nhân lao động.
Cụ thể, năm học 2016-2017, TP đã thí điểm đề án giữ trẻ ngoài giờ cho con em của công nhân (đến 17 giờ 30 hằng ngày và cả ngày thứ Bảy) tại ba trường là Trường Mầm non 30/4 (quận Bình Tân), Trường Mầm non KCX Linh Trung 1 và Trường Mầm non KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức). Tổng số trẻ được giữ ngoài giờ là 240 trẻ với tám lớp.
Và năm nay tiếp tục mở rộng ở các trường mầm non tại KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Tây Bắc (Củ Chi). Số lớp và số trẻ sẽ tùy nhu cầu và điều kiện thực tế tại từng trường.
Theo quy định liên sở về mô hình này, kinh phí ngân sách hỗ trợ chi trả 50% cho con công nhân và 50% kinh phí còn lại vận động doanh nghiệp hỗ trợ và thu của phụ huynh. Các trẻ được giữ đều là con em công nhân và có nguyện vọng đăng ký tại trường. Giáo viên nuôi giữ cũng đăng ký tham gia tự nguyện và chia ca để thực hiện đảm bảo giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm. Tiền chi trả cho giáo viên được hưởng theo quy định làm thêm ngoài giờ, cứ một giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu là 33.000 đồng và trong ngày thứ Bảy là 44.000 đồng.
Một lớp giữ trẻ mầm non của công nhân ở quận Tân Bình. Ảnh: PHẠM ANH
Được biết theo lộ trình, năm học 2018-2019, TP dự kiến thực hiện đại trà tại các trường mầm non KCN, KCX ở các quận/huyện cũng như tiến hành tổng kết ba năm thực hiện đề án này.
Năm học 2019-2020 và các năm tiếp theo, các quận/huyện tập trung mở rộng số trường nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại KCN, KCX.
Ngoài ra, năm học này, TP.HCM cũng tiếp tục thực hiện nhân rộng nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 24 quận/huyện, ưu tiên ở các KCN, KCX đông người lao động. Được biết sau ba năm thực hiện, TP có khoảng hơn 100 trường công lập triển khai giữ trẻ tuổi này với khoảng hơn 1.000 trẻ đang theo học.