|
Trong dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước 30-4 năm nay, TP.HCM có hàng loạt công trình giao thông quan trọng về đích. Điển hình là các dự án cầu Thủ Thiêm 2, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh, đường song hành Võ Văn Kiệt, cải tạo kênh Nước Đen, hầm chui trước Bến xe Miền Đông… Các công trình này đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo đô thị TP.HCM.
Gỡ các điểm nghẽn trung tâm
Những ngày đầu sau khi cầu Thủ Thiêm 2 được khánh thành, người dân TP.HCM vẫn chưa hết niềm vui hân hoan với cây cầu mới. Theo ghi nhận của PV, người dân đi qua cầu không đơn thuần là lưu thông, mà còn là cảm giác trải nghiệm một điểm check-in mới của TP.
|
Đường Đặng Thúc Vịnh hoàn thành đã góp phần khơi thông điểm nghẽn khu vực tây bắc TP. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Với cầu Thủ Thiêm 2, người dân ở TP Thủ Đức qua quận 1 chỉ mất khoảng 1 phút. Từ điểm đầu cầu Thủ Thiêm 2 (phía quận 1), người dân có thể dễ dàng di chuyển tới Công viên bến Bạch Đằng, ga Bạch Đằng, cầu Thủ Thiêm 1.
Cách điểm đầu cầu Thủ Thiêm 2 không xa, công trình đường song hành Võ Văn Kiệt cũng vừa được khánh thành, góp phần quan trọng trong việc khơi thông các điểm nghẽn của khu vực trung tâm TP, nhất là giao lộ Ký Con - Võ Văn Kiệt.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng dù dự án chỉ là tuyến đường nhỏ song đã mang lại rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án đã thực hiện được nhiều hạng mục như chỉnh trang hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, kết hợp nạo vét kênh. Trong tương lai, con đường này sẽ là kiểu mẫu với giao thông xanh kết hợp với tuyến buýt sông.
Cũng tại quận 1, một phần bề mặt đường Lê Lợi vốn bị rào chắn để phục vụ công trường metro số 1 cũng được hoàn trả trong dịp lễ 30-4 này. Khi mặt bằng khu vực này được hoàn trả, cùng với việc chỉnh trang đô thị, diện mạo khu vực trung tâm sẽ khởi sắc rõ rệt, mang lại niềm vui, sự hứng khởi cho người dân và du khách.
Ông Vũ Phan Minh Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 1 (tuyến metro số 1), cho biết: “Việc hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi đã góp phần chào mừng ngày lễ thống nhất đất nước, đánh dấu mốc quan trọng trong dự án metro số 1. Đồng thời tạo nên hiệu ứng tích cực cho cư dân xung quanh tuyến đường Lê Lợi, tiến theo đà hồi phục kinh tế, du lịch của TP trong thời gian tới”.
Liên kết vùng, xây dựng mỹ quan đô thị tây bắc TP
Có lẽ người dân khu vực quận 12, hai huyện Hóc Môn, Củ Chi vẫn còn vui mừng khi đường Đặng Thúc Vịnh vừa được khánh thành vài ngày trước lễ. Dự án sau khi hoàn thành đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông liên vùng vì đây là trục đường liên thông với huyện Củ Chi và liên tỉnh với Bình Dương, Long An.
Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn khẳng định dự án đã đem lại niềm vui, niềm phấn khởi rất lớn cho người dân huyện Hóc Môn và các khu vực lân cận.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá hạ tầng giao thông TP đã có sự chuyển biến rõ rệt. Để hệ thống giao thông hoàn thiện, TP.HCM cần tập trung nguồn lực, sớm khởi công các dự án huyết mạch - cửa ngõ, các tuyến đường vành đai và cả cao tốc.
“Các hộ dân đã tạo điều kiện thuận lợi giúp huyện Hóc Môn sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đường Đặng Thúc Vịnh được đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị và ổn định cuộc sống người dân khu vực” - lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn chia sẻ.
Trong tương lai, diện mạo đô thị phía tây bắc TP sẽ thay đổi mạnh mẽ bởi hàng loạt dự án khác đang chuẩn bị đầu tư như dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Ảnh Thủ, đường Nguyễn Văn Bứa… Các tuyến đường này được đầu tư và hoàn thiện sẽ góp phần xây dựng mạng lưới liên kết giao thông chặt chẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực tây bắc nói riêng, TP.HCM nói chung.
Diện mạo giao thông TP đang thay đổi từng ngày
Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on - Hop of Việt Nam (đơn vị khai thác xe buýt hai tầng), đánh giá TP.HCM đang chạy đua với tiến độ của nhiều công trình giao thông lớn. Giao thông TP.HCM là huyết mạch, kết nối với các vùng trong khu vực. Nhiều năm nay, TP.HCM đã có sự thay đổi từ đường bộ, đường thủy, hàng không và cả giao thông công cộng.
“Tôi đánh giá diện mạo đô thị TP.HCM đã thay đổi từng ngày, tạo dấu ấn riêng biệt cho TP. Tiêu biểu phải kể đến các công trình mang tầm vóc, có dấu ấn như cầu Thủ Thiêm 2” - ông Luân nói.
Tuy nhiên, khi đánh giá về hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ, ông Luân nhận định hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, phát triển kinh tế - xã hội thì các dự án giao thông cửa ngõ như nút giao An Phú, quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các tuyến vành đai cũng cần sớm hoàn thành.
Song song, ông Luân cũng cho biết TP.HCM là đô thị phát triển rất nóng, với tốc độ cao. Vì vậy TP cần có phương án kết nối, giãn dân ra ngoại ô, quy hoạch lại TP.HCM thì giao thông và đô thị mới thực sự xứng tầm.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, nhận định: “Chúng ta không ngạc nhiên trước sự hồi sinh, phát triển nhanh chóng của TP.HCM sau dịch bệnh. TP đã thực sự khẳng định mình là đầu tàu kinh tế của cả nước, giống như “lò xo” được bung lên sau một thời gian dài kìm nén. Đơn cử như cầu Thủ Thiêm 2, từ lãnh đạo TP đến các sở, ngành đều đã nhiệt huyết, vượt qua nhiều khó khăn để đưa cây cầu được khánh thành và trở thành điểm nhấn của TP.HCM. Ngoài ra, hàng loạt dự án lớn nhỏ cũng được rộng mở, thông suốt, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị”.•
Hoàn thành thêm nhiều gói thầu phía đông và nam TP
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết: Trong dịp lễ 30-4, Ban giao thông TP cũng hoàn thành gói thầu xây lắp 3 thuộc dự án xây dựng cầu vượt Bến xe Miền Đông mới, TP Thủ Đức.
Trong dịp lễ này, Ban giao thông cũng hoàn thành gói thầu xây lắp 4 (cầu Kênh 2) thuộc dự án xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh và gói thầu xây lắp 1. Bên cạnh đó còn có dự án cải tạo kênh Nước Đen cũng được hoàn thiện.
“Các công trình, gói thầu nêu trên sau khi hoàn thành đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường nối kết giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị. Đồng thời cải thiện môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực” - ông Phúc chia sẻ.
Năm 2022, khởi công hàng loạt dự án cửa ngõ TP.HCM
|
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết: Năm 2022 chúng ta sẽ chứng kiến sự bắt đầu của nhiều dự án mang tính chất đột phá, thay đổi cục diện giao thông bởi hàng loạt dự án cửa ngõ ở TP.HCM. Theo đó, Ban giao thông sẽ phối hợp với các đơn vị để trình chủ trương đầu tư công cho các dự án vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
“Bên cạnh đó, chúng ta khởi công nút giao An Phú, TP Thủ Đức; khởi công quốc lộ 50, huyện Bình Chánh và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3. Các dự án này sẽ góp phần thay đổi cục diện giao thông TP, tạo ra không gian phát triển đô thị, động lực phát triển kinh tế liên vùng trong thời gian tới” - ông Phúc nói.
Nói về các dự án này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: TP.HCM đang bị chật hẹp về không gian, bao gồm cả khu vực cửa ngõ. Nếu khu vực cửa ngõ TP tiếp tục còn nút thắt như hiện nay thì khó có thể phát triển được. Cho nên những tuyến đường huyết mạch, vành đai và cao tốc mà Chính phủ rất quan tâm triển khai thì TP.HCM sẽ tiếp tục làm để tạo điều kiện cho TP phát triển hơn trong tương lai.
“Khi đường sá thông thoáng không chỉ giải quyết bài toán kẹt xe nội ô mà còn tăng tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Hoan nói.
ĐÀO TRANG