Cụ thể, Sở QH-KT TP.HCM đưa ra ý tưởng thiết kế Khu đô thị Tây Bắc xuất phát từ quang cảnh, mô hình phát triển hiện hữu. Theo đó, khu đô thị này sẽ có một loạt các Vành đai, Hành lang, Trục, và Dải được hình thành.
Khu đô thị Tây Bắc sẽ có một ‘Vành đai đa năng’ dành cho thương mại, kinh doanh, nghỉ dưỡng và giải trí. Một ‘Hành lang’ chạy giữa kênh Đông và kênh Thầy Cai là hành lang cảnh quan. Một ‘Trục sáng tạo’ cho các lĩnh vực mới phát triển như các hoạt động gắn với sinh thái, văn hoá và thể thao. Các "Dải" được sử dụng để tạo ra đặc trưng của đồ án, chúng phân chia thành các dải: sống, làm việc, vui chơi.
Nhằm phục vụ tốt hơn vùng và các đô thị lân cận, Khu đô thị Tây Bắc bao gồm 2 trung tâm lớn (cấp vùng), 1 đô thị cửa ngõ và 4 trung tâm đô thị nhỏ.
Trung tâm lớn cấp vùng: Trung tâm đô thị Hóc Môn, trung tâm đô thị Củ Chi. Trung tâm đô thị Hóc Môn được bố trí ở cực phía Nam của Khu đô thị Tây Bắc và thuộc địa phận huyện Hóc Môn. Đô thị này sẽ có chức năng của một khu đại học, ký túc xá và sẽ phục vụ Khu đô thị Tây Bắc, một phần của huyện Hóc Môn, tỉnh Long An, đặc biệt là khu công nghiệp Đức Hoà.
Trung tâm đô thị Củ Chi sẽ là nơi tiếp nối lịch sử của cả vùng và nhờ đó sẽ tạo nên đặc trưng chung của Khu đô thị Tây Bắc. Khu trung tâm này nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 22 và kết nối với phần phía bắc của trung tâm huyện lỵ Củ Chi. Đây cũng sẽ là cửa ngõ vào TP.HCM từ phía Tây Ninh và Campuchia, thương mại và thông thương theo cách truyền thống sẽ là đặc trưng cơ bản của khu trung tâm này.
Đô thị cửa ngõ Ấp Giữa là điểm nhấn ngay khi bắt đầu tiến vào Khu đô thị Tây Bắc từ sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM. Các trung tâm nhỏ bao gồm: Trung tâm đô thị Phước Hiệp (đặc trưng sinh thái), trung tâm đô thị Mũi Lớn (đặc trưng y khoa), trung tâm đô thị Tân An Hội (đặc trưng công viên cây xanh), trung tâm đô thị Bàu Sim (đặc trưng kiến trúc và lối sống bản địa).
Về quy hoạch du lịch, Sở QH-KT TP cho biết khu đô thị Tây Bắc này sẽ là một vành đai du lịch 24 giờ, nơi mà mọi người có thể vui chơi, cắm trại hay tổ chức tiệc suốt cả ngày. Nhờ vào sự kết nối của mạng ảo, Social networking 2.0, Web 2.0 và Internet 2.0, hệ thống máy tính kết nối tất cả các cư dân trong ngôi làng “toàn cầu” này, do vậy các hoạt động xuyên suốt qua không gian và thời gian và xảy ra đồng thời.
Quy hoạch tổng thể cho du lịch khởi đầu với hội chợ hàng thủ công và nghệ thuật truyền thống nằm ở vị trí kết nối trung tâm lớn cấp vùng và huyện lỵ Củ Chi. Các công viên du lịch sẽ đóng vai trò là điểm trung chuyển du khách tới thăm địa đạo Củ Chi.
Khu đô thị sẽ có 2 công viên du lịch, sân golf và trường đua xe mô tô là các điểm hấp dẫn du khách. Du khách có thể đến nơi bằng đường thủy từ sông Sài Gòn kết nối vào kênh Thầy Cai, sau đó vào kênh 7 và kênh 10, rồi đi lên phía Bắc tới kênh Đông và cuối cùng tới trung tâm du thuyền.
Du khách còn có thể thăm công viên theo tuyến và chợ hàng thủ công mỹ nghệ gần đó. Quy hoạch du lịch này sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và tạo nên sự khác biệt đối với sự phát triển của các trung tâm khác.
Khu đô thị Tây Bắc là khu vực quy hoạch nằm về phía Tây Bắc TP.HCM, thuộc địa phận Huyện Củ Chi và một phần thuộc huyện Hóc Môn. Khoảng cách từ Khu đô thị Tây Bắc đến trung tâm TP.HCM xấp xỉ 30km. Tổng diện tích khu đô thị là hơn 6.000 ha Đồ án quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng năm 2010 phát triển TP.HCM theo mô hình đa cực – tức là có nhiều trung tâm. |
(PLO)- Sở QH-KT TP.HCM vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri, trong đó có thông tin về quy hoạch khu đô thị Tây Bắc treo nhiều năm nay.