TP.HCM: Nhiều hộ dân khó khăn đang chờ tiền hỗ trợ

Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, TP.HCM đã và đang thực hiện chi hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP cho người dân và Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Cụ thể, TP đã thực hiện chi hỗ trợ ba đợt cho NLĐ khó khăn trên địa bàn. Ngày 31-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoàn tất trước ngày 6-9. Theo đó, đối với các trường hợp chưa hỗ trợ thì hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ dân bằng tiền mặt.

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc chậm nhận được tiền hỗ trợ từ địa phương. Nhiều người dân cho biết đã thất nghiệp nhiều tháng liền, đã được khu phố lên danh sách nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Mong sớm nhận được tiền hỗ trợ

Bà Nguyễn Ngọc Dung ở trọ tại 206 An Dương Vương, phường 16, quận 8 cho biết hơn ba tháng nay những người trong khu trọ bị thất nghiệp. Hiện họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tiền trọ cũng không có để đóng.

Cách đây hơn một tháng, những người ở trọ được tổ trưởng khu phố thông báo lập danh sách những hộ khó khăn để được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Nghe vậy ai cũng mừng, bởi ở đây toàn là NLĐ tự do làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Đầu tháng 7, cả xóm trọ bị phong tỏa do có ca nhiễm. Đến đầu tháng 8, mới được dỡ phong tỏa thì phải thực hiện giãn cách. “Giờ nhà tôi năm người, mà trong nhà chỉ còn khoảng mấy ký gạo, đồ ăn cũng sắp hết. Mong rằng cả khu trọ sớm nhận được tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống” - bà Dung mong mỏi.

Ông Trần Văn Hải, chủ nhà trọ mà bà Dung đang sinh sống, cho biết hiện ông có 37 phòng đang cho thuê với gần 100 nhân khẩu. Những người thuê nhà chủ yếu là NLĐ nghèo. Hiện họ không có đủ tiền để ăn, cuộc sống đang rất khó khăn.

Tương tự, hơn 12 hộ dân đang sống tại dãy nhà trọ ở đường số 1, khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho biết cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Chị Phạm Thị Xuyến ở dãy nhà trọ trên cho biết cách đây một tháng, chị có nghe thông tin TP sẽ hỗ trợ NLĐ ở trọ gặp khó khăn. Sau đó, chị đã lập danh sách những người khó khăn gửi đến UBND phường nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi gì.

“Chúng tôi ở đây toàn là NLĐ chân tay, ai cũng đang khó khăn. Mấy đứa nhỏ hơn một tháng nay thiếu sữa uống, gạo, đồ ăn trong nhà cũng gần hết. Mong có được tiền hỗ trợ để xoay xở trong lúc khó khăn này” - chị Xuyến cho biết.

Người dân ở trọ tại số 4 đường số 1, khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của TP. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phường đang gấp rút trao hỗ trợ

Trao đổi với PV, một đại diện phường 16, quận 8 cho biết hiện phường đang chi hỗ trợ cho những hộ khó khăn trên địa bàn. Đối tượng hỗ trợ đợt này là những hộ lao động khó khăn, người đang sống ở các khu trọ... Đặc biệt, đợt này sẽ không phân biệt người có đăng ký thường trú, tạm trú, có khó khăn là hỗ trợ.

Hiện tại, do lực lượng cán bộ phường rất mỏng nên việc chi hỗ trợ sẽ được thực hiện dần theo khu vực chứ không thể một, hai ngày là xong hết được. Dự kiến sắp tới, phường sẽ chi cho hơn 8.000 hộ lao động khó khăn ở các khu trọ. Việc chi hỗ trợ sẽ được thực hiện liên tục và chi cho tất cả trường hợp ở nhà trọ.

Trong quá trình chi hỗ trợ, phường gặp một số khó khăn nên tiền chậm trao đến tay người dân. Khó khăn thứ nhất là kế toán phải có thời gian rà soát danh sách để tránh trường hợp chi trùng lặp đối tượng. Thứ hai, một số tổ trưởng có nhiệm vụ lập danh sách thì họ lớn tuổi, hạn chế đi lại, có người đang là F0 phải điều trị bệnh… Thứ ba, đối với các khu vực nhà trọ, người lập danh sách sẽ không nắm hết những người đang ở thực tế dẫn đến tình trạng sót đối tượng.

Để khắc phục những khó khăn trên, hiện phường đã huy động thêm cảnh sát khu vực vào việc lập danh sách. Ngoài ra, phường cũng tiếp nhận danh sách từ chủ nhà trọ đưa lên. Thậm chí những ai thấy mình thuộc đối tượng được nhận thì cứ liên hệ trực tiếp đến phường để phường bổ sung.

“Phường cũng lưu ý những thông tin của người nhận hỗ trợ phải thật chính xác về địa chỉ, số CCCD hoặc CMND để phường có những dữ liệu đối chiếu” - đại diện phường 16, quận 8 cho biết.

Lý giải vì sao một số người dân khó khăn trên địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo, cho biết việc chi hỗ trợ cho người dân khó khăn phường vẫn đang thực hiện.

“Tuy nhiên, do kinh phí chuyển xuống còn chậm nên chưa thể giải quyết hết cho bà con. Ngoài ra, phường phải mất nhiều thời gian để rà soát danh sách hỗ trợ, tránh chuyện người được nhận, người không được nhận. Hiện kinh phí đã về đến, phường sẽ cố gắng hết sức để nhanh chóng chi hỗ trợ cho 7.500 hộ dân khó khăn trên địa bàn. Rất mong người dân thông cảm và chia sẻ với phường trong giai đoạn khó khăn này” - bà Nhung nói.

Duyệt đến đâu, chi ngay đến đó

Từ ngày 25-8, UBND TP ban hành Công văn khẩn 2876 điều chỉnh tên gọi cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” để phù hợp với tình hình hiện tại.

Đến ngày 26-8, TP có Văn bản 2889 yêu cầu địa phương tiếp tục hỗ trợ các trường hợp chưa hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/hộ dân bằng tiền mặt.

Ngày 31-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoàn tất trước ngày 6-9.

Hiện các phường, xã vẫn đang ráo riết thực hiện chi hỗ trợ cho người dân nhưng vì một số khó khăn nhất định nên tiền hỗ trợ người dân chậm được nhận.

Ở phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức cũng gặp không ít khó khăn nhưng việc chi hỗ trợ đã được 100% theo danh sách được lập trước đó. Hiện phường vẫn đang rà soát để tiếp tục chi hỗ trợ người dân khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, hiện phường đã thực hiện chi cho 2.231 hộ dân khó khăn. Những người ở trọ là sinh viên khó khăn cũng được hỗ trợ.

Cách làm của phường là danh sách được duyệt đến đâu thì chi ngay đến đó cho người dân. Để việc lập danh sách được nhanh chóng, ngay từ đầu phường tạo nhóm Zalo trao đổi việc hỗ trợ này. Trong nhóm Zalo sẽ có tất cả tổ trưởng, trưởng khu phố thực hiện việc lập danh sách hỗ trợ.

“Trong quá trình thực hiện sẽ không tránh việc sót đối tượng hỗ trợ. Vì thế, phường lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh cần được hỗ trợ. Khi nắm thông tin, phường sẽ lập danh sách gửi ngay cho quận, khi duyệt sẽ chi ngay cho người dân” - bà Hiếu chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm