Để triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, thời gian qua TP.HCM đã thực hiện đề án điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó, TP xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, đánh giá hiện trạng khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước để phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
|
Các nhân viên ngành môi trường TP.HCM vớt rác trên sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương. Ảnh: N.CHÂU |
Ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, giảm ô nhiễm nước, TP đã thực hiện công tác quy hoạch. Trong đó, TP thực hiện nội dung chỉnh trang, tái thiết đô thị như cải tạo các khu dân cư xuống cấp; di dời các hộ dân sống trên sông, kênh rạch; di dời các khu vực nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư và các cơ sở không phù hợp quy hoạch xây dựng trong khu dân cư.
Trong các đồ án quy hoạch, TP đã thực hiện tích hợp giữa các đề án, đồ án, quy hoạch ngành liên quan đến bảo vệ môi trường với quy hoạch xây đựng và quy hoạch sử dụng đất. Từ đó đảm bảo đáp ứng yêu cầu về vị trí, quy mô xây dựng các cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường (nhà máy xử lý, trạm trung chuyển, trạm quan trắc...). TP cũng đã thực hiện bố trí khu vực công cộng để thực hiện trồng cây xanh và xây dựng thêm công viên, mảng xanh trên địa bàn.
Ngoài ra, thời gian qua TP.HCM còn thường xuyên thực hiện các chương trình, kế hoạch như cắt cỏ, vớt rác, lục bình, nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy đối với tuyến kênh rạch trên địa bàn. Cạnh đó, thực hiện xử lý công trình vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng sông, kênh rạch nhằm cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn.
TP cũng phối hợp với tỉnh Bình Dương nhằm kiểm soát và giải quyết ô nhiễm trên các tuyến kênh Ba Bò, Suối Cái (Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái).
Ở cấp địa phương, chính quyền cấp quận, huyện cũng đã chủ động phối hợp, ký kết các kế hoạch liên tịch phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các huyện giáp ranh để xử lý các trường hợp đổ rác thải, xử lý cơ sở ô nhiễm xả nước thải ở địa bàn giáp ranh.
TP.HCM đã thực hiện bố trí khu vực công cộng để thực hiện trồng cây xanh và xây dựng thêm công viên, mảng xanh trên địa bàn.
Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân
Để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt cho người dân, TP đã ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TP.HCM. Kế hoạch này được thực hiện theo Quyết định 721 và Quyết định 4329 của UBND TP.
Đề án trên cũng gắn kết với thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, TP đã phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất phục vụ sinh hoạt, TP đã thực hiện đề án điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, trên cơ sở đó đã xây dựng và ban hành Quyết định 1242 của UBND TP về kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP đến năm 2025.
Theo đó, thời gian qua các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện việc trám lấp nhiều giếng khoan.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn tính đến ngày 30-6, trên toàn địa bàn huyện còn 43.707 giếng khoan, với lưu lượng nước dưới đất khai thác hơn 66.637 m3/ngày đêm. Số lượng giếng khoan trên địa bàn huyện đã giảm 25.961 giếng so với năm 2018 và lưu lượng khai thác giảm hơn 39.853 m3/ngày đêm.
Theo báo cáo của UBND quận Tân Phú, đến tháng 12-2020, trên địa bàn quận có 2.375 giếng khoan đang khai thác, sử dụng. Trong đó có 2.005 giếng khoan hộ gia đình và 370 giếng khoan doanh nghiệp. Tổng số giếng đã trám lấp từ năm 2021 đến nay là 686/2.375 giếng. UBND quận đã đề ra lộ trình, chỉ tiêu thực hiện hằng năm, phấn đấu đến năm 2025 vận động người dân, doanh nghiệp không sử dụng nước giếng khoan và trám lấp toàn bộ các giếng còn lại.
Nguồn nước khai thác hiện nay của TP chủ yếu là nguồn nước mặt từ sông Đồng Nai (các nhà máy nước Thủ Đức 1, BOO Thủ Đức, Thủ Đức 3) và sông Sài Gòn (hai nhà máy nước Tân Hiệp 1, Tân Hiệp 2) và nguồn nước dưới đất.
Ngoài ra, TP cũng đã xây dựng bản dự thảo “Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nguồn nước và ứng phó với sự cố cho hệ thống cấp nước của TP”.
Đặc biệt, TP cũng đã triển khai chương trình bảo vệ và ứng phó với những thay đổi về chất lượng nguồn nước. Theo đó, tại các trạm bơm nước thô đều được trang bị hệ thống trực tuyến để theo dõi chất lượng nước nguồn liên tục nhằm đưa ra biện pháp ứng phó khi chất lượng nước có biến động.•
Lấy ý kiến cho dự thảo Luật Tài nguyên nước
Trước đó, ngày 7-10, tại TP.HCM, Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến các bộ, ban ngành trung ương; các chuyên gia trong nước và quốc tế; các địa phương, doanh nghiệp khu vực phía Nam. Từ đó định hướng xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cũng như các nội dung cụ thể của dự thảo luật.
Tại hội thảo, lãnh đạo các sở TN&MT, các chuyên gia, doanh nghiệp đã phát biểu đánh giá cao dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, soạn thảo. Các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là yêu cầu cần thiết, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.