TP.HCM: Quy hoạch nút giao thông thế nào cho phù hợp?

Về việc Sở QH-KT TP.HCM kiến nghị dừng lập quy hoạch chi tiết đối với 137 nút giao thông (gồm cả ngã tư và vòng xoay) trên địa bàn TP, các chuyên gia cho rằng việc lập quy hoạch nút giao thông cần phải dựa vào tình hình giao thông và nên lấy ý kiến người dân khu vực.

Kiến nghị dừng lập quy hoạch chi tiết các nút giao thông

Cụ thể, theo Sở QH-KT, các dự án nút giao thông ở TP.HCM được quy hoạch theo Quyết định 568 ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, 136 nút giao thông được quy hoạch trên địa bàn TP.

Các nút giao thông ở TP.HCM hiện nay được bố trí đèn xanh, đèn đỏ hoặc xây cầu vượt. Trong ảnh: Nút giao thông An Sương. Ảnh: ĐÀO TRANG

Từ năm 2016 đến nay, TP.HCM có nhiều văn bản, thông báo yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch các nút giao thông nói trên. Trong đó có Thông báo 162 về việc quy hoạch thêm nút giao thông Hồng Bàng - An Dương Vương - Ngô Quyền (quận 5, không nằm trong Quyết định 568).

Qua quá trình phối hợp với các quận, huyện, sở, ngành liên quan, Sở QH-KT nhận thấy có nhiều vướng mắc trong công tác lập quy hoạch nút giao thông trên địa bàn TP.

Sở QH-KT cho biết theo tổng hợp tình hình và các khó khăn, vướng mắc, sở kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận: Không tiếp tục lập quy hoạch chi tiết đối với các nút giao thông nói trên.

Sở này cũng nêu hai giải pháp điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu có các nút giao thông trong trường hợp không tiếp tục lập quy hoạch nút giao thông. Thứ nhất, các nút giao thông còn thể hiện dưới hình thức vòng tròn thì bổ sung đầy đủ nội dung quy hoạch (ranh giới, quy mô vị trí các ô chức năng đất giao thông…).

Thứ hai, nút giao thông đã có phương án thiết kế được duyệt: Cập nhật ranh giới, vị trí; phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch nút giao thông (gồm phần đất quy hoạch giao thông và các lô đất có liên quan).

Trường hợp nút giao thông thuộc khu vực có yêu cầu đặc biệt về cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị, Sở QH-KT sẽ phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xác định phạm vi điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở đánh giá hiện trạng và yêu cầu phát triển.

Nên tham khảo ý kiến người dân

“Các nút giao thông hiện nay ở TP.HCM đang tổ chức khá tốt. Chẳng hạn có nút giao thông được tổ chức đèn xanh, đèn đỏ để dòng xe nào dừng, dòng xe nào đi; có nút giao thông thì có xây dựng cầu vượt phía trên để giải tỏa dòng xe như nút giao thông Hàng Xanh, nút giao thông An Sương, vòng xoay Lăng Cha Cả…” - kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nhận định.

Theo ông Mười, việc quy hoạch nút giao thông cần phải dựa vào tình hình giao thông khu vực. Chúng ta cũng nên tham khảo, lắng nghe ý kiến người dân khu vực xung quanh nút giao thông khi quy hoạch, bỏ lập quy hoạch hoặc điều chỉnh.

Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng nguyên tắc của việc quy hoạch nút giao thông là phải gắn liền với giao thông.

Công tác quy hoạch nút giao thông rất cần thiết phải gắn liền với quy hoạch giao thông như đường kết nối, đường trên cao, cầu vượt như thế nào, dòng xe ra sao…

“Quy hoạch nút giao thông cũng là việc tổ chức giao thông khu vực đó. Cụ thể, nút giao thông nào đang gây ùn tắc, kẹt xe thì cần làm ngay, cần giải quyết ngay bằng bài toán giao thông và quy hoạch. Còn nút giao thông nào chúng ta dự tính sẽ ùn tắc trong giai đoạn tới thì cũng cần có bài toán quy hoạch giao thông từ bây giờ để không bị động” - ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cũng cho rằng chúng ta cần lưu ý quanh nút giao thông có rất nhiều cư dân sinh sống. Do đó, chúng ta cần làm quy hoạch hoặc tổ chức giao thông như thế nào để không ảnh hưởng đến người dân.

“Quy hoạch nút giao thông là điều người dân khu vực đó nên biết vì nó ảnh hưởng đến họ. Vì vậy, chúng ta dừng hay lập quy hoạch đều phải có kế hoạch cụ thể” - ông Hùng góp ý.•

 

Lý do Sở QH-KT kiến nghị dừng lập quy hoạch 137 nút giao thông

Theo Sở QH-KT, các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch nút giao thông hiện nay có ba nội dung.

Thứ nhất: Trường hợp lập quy hoạch riêng cho nút giao thông, đối với các nút giao thông chỉ cần xác định rõ phạm vi ranh giới của đất chức năng giao thông (chiếm đa số) thì sẽ có nhiều nội dung không thực sự cần thiết.

Thứ hai: Nếu thực hiện theo dạng “tổng mặt bằng” như hồ sơ quy hoạch mặt bằng (tỉ lệ 1/500) một số nút giao thông trên địa bàn quận 5 đã phê duyệt hiện nay cũng không còn phù hợp theo quy định của pháp luật.

Thứ ba: Lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các nút giao thông còn vướng mắc, hạn chế. Cụ thể, trường hợp nút giao thông được thể hiện dạng vòng tròn dự phòng quỹ đất trong đồ án quy hoạch phân khu thì phải cần bổ sung, hoàn chỉnh pháp lý quy hoạch phân khu trước.

Sở QH-KT TP cho biết trong đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP hiện nay, nhiều nút giao thông lớn chỉ xác định vị trí nút giao thông, chưa định hướng dạng thức giao thông.

Trong quá trình quy hoạch, tại các vị trí nút giao thông nêu trên không đủ cơ sở xác định về phạm vi và dạng thức nút giao thông, ranh giới cụ thể giữa chức năng đất giao thông và các loại đất chức năng đô thị khác (trong khu vực lân cận nút giao thông). Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm