TP.HCM quyết định nắn tuyến đường vành đai 4 TP.HCM

(PLO)- UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến vành đai 4 và giao Sở GTVT TP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

UBND TP.HCM vừa có văn bản về phương án tuyến đường vành đai 4 đoạn qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai, thuộc dự án vành đai 4 TP.HCM.

Với phương án tuyến mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất, UBND TP.HCM đã chấp thuận về mặt chủ trương đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) thuộc dự án vành đai theo phương án 2.

vanhdai2-3-qrce-thumb-3348.jpg
TP.HCM sẽ điều chỉnh hướng tuyến vành đai 4. Đồ họa: Hồ Trang

Cụ thể, phương án 2 như sau: Hướng tuyến đi về phía đông nam (phía trái) so với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Phương án này sẽ hạn chế ảnh hưởng các đồ án quy hoạch đã thực hiện, cũng như hạn chế ảnh hưởng tới Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.

Đối với phương án 2, đoạn xa nhất cách đường Nguyễn Thị Rành - tuyến quy hoạch khoảng 1,1 km. Chiều dài tuyến theo phương án này là 17,12 km.

Phương án 2 tránh đường hiện hữu, chỉ cần đảm bảo giao thông tại các vị trí giao cắt. Vì vậy, khi triển khai sẽ thuận lợi cho phân kỳ đầu tư, xây dựng, khai thác. Ngoài tuyến đường hiện hữu, khu vực có thêm tuyến mới song hành đường vành đai 4 nên lưu thông sẽ tốt hơn.

UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT khẩn trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (với phương án hướng tuyến chọn là phương án 2) để lấy ý kiến góp ý của các Sở ngành, đơn vị liên quan.

Từ đó, Sở GTVT TP cần xây dựng kế hoạch chi tiết gồm nội dung công việc, cơ quan chủ trì, phối hợp, tiến độ thực hiện... để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định. Đồng thời, tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trong tháng 10-2023.

UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp UBND huyện Củ Chi và các Sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện điều chỉnh cục bộ các Đồ án quy hoạch theo quy định và cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, các đơn vị cần tham mưu, đề xuất UBND TP trong tháng 10.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án 2 có chi phí đầu tư xây dựng thấp hơn phương án 1 từ gần 24.500 tỉ đến hơn 36.500 tỉ đồng. Khối lượng giải phóng mặt bằng thấp hơn nhiều sẽ thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư và bố trí vốn ngân sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm