TP.HCM ra 7 nhóm giải pháp, không ai được khoanh tay, ngoài cuộc!

TP.HCM ra 7 nhóm giải pháp, không ai được khoanh tay, ngoài cuộc!

(PLO)- Chính quyền TP.HCM tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách vượt trội dành cho TP để giải quyết những khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

UBND TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đến năm 2025.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (đơn vị đóng vai trò đầu mối, tập hợp để “nghiệm thu” nhiệm vụ thực hiện chỉ thị hành động này), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: Chỉ thị lần này của TP.HCM chính là chỉ thị hành động để bộ máy của TP tiếp tục vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội của TP giai đoạn cuối năm 2024, đồng thời tạo đà vững vàng cho năm 2025.

TP.HCM ra 7 nhóm giải pháp, không ai được khoanh tay, ngoài cuộc!
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM.

Chỉ thị hành động để TP tăng tốc cuối năm

. Phóng viên: Vì sao Chỉ thị 12 của TP ra đời trong giai đoạn này, thưa ông?

+ TS Trương Minh Huy Vũ: TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo đúng định hướng, kỳ vọng của người dân và chính quyền TP. Trong đó có thể kể đến Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM; Nghị định 84/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM; hay Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Để hiện thực hóa những nội dung này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, TP cần có một “chiến dịch hành động” tổng thể, ở đó vừa là sự phối hợp rộng của các sở, ngành, đồng thời có tính chuyên biệt cao trong từng lĩnh vực, từng nội dung, nút thắt cần tháo gỡ.

Quan trọng hơn là vận dụng các điểm mở trong các văn bản nghị quyết mới của TP để phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm từ kế hoạch đến tổ chức, giám sát, kiểm tra, ứng phó, xử lý và tất nhiên, để nghiệm thu từng nhiệm vụ, xem đạt hay không, đã đủ để “hoàn công” hay chưa; nếu chưa thì vì sao và ai chịu trách nhiệm.

Điều này giống như phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ở các kỳ hội nghị Thành ủy, mọi thứ đã vạch rõ thành từng đầu việc, giờ chỉ có bắt tay vào làm. Đây là chỉ thị hành động tiếp tục cho bộ máy TP về đích năm 2024.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

. Theo chỉ thị lần này, có bảy nhóm giải pháp được đưa ra. Trong đó, nhóm đầu tiên là nhóm giải pháp thúc đẩy thực hiện giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư. Cho đến nay, khi đã sơ kết sáu tháng đầu năm 2024, đây là hai điểm hạn chế của TP. Chỉ thị lần này có ý nghĩa như thế nào với việc khắc phục hai hạn chế này?

+ Đặt trong tình hình biến động thế giới hiện nay, nếu không có sức ép tự thân đủ mạnh, chúng ta sẽ khó khắc phục hai điểm yếu nói trên. Lý do là các nhà đầu tư đã, đang và sẽ thận trọng hơn nữa trong quyết định của mình. Ngay cả khi nguồn tín dụng dồi dào thì có những chỉ dấu cho thấy khả năng hấp thụ vốn của thị trường sẽ vẫn yếu. Do đó, một khi đã dự báo được tình hình thì cách thức tập trung ứng phó của TP sẽ trực diện vào các nút thắt lớn, trong đó giải ngân đầu tư công là trụ cột chính của động lực tăng trưởng. Vốn mồi từ ngân sách sẽ được luân lưu trong thị trường, kích hoạt các nguồn vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài…

Với chỉ thị này, vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM và các ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao rất quan trọng. Trong đó, TP chú trọng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội; tiếp tục tháo gỡ, thúc đẩy khởi công các dự án đã được TP cấp chủ trương đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistics, công nghệ số kết hợp với nghiên cứu và phát triển (dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 50.000-70.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2024-2025).

. Được biết hạn chế lớn nhất khiến giải ngân đầu tư công chưa đạt kết quả tốt là ở khâu thủ tục hành chính. Vậy làm gì để khắc phục, thưa ông?

+ Đó chính là nhóm giải pháp thứ năm trong chỉ thị lần này của TP - nhóm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính. Trong đó có nội dung nghiên cứu, triển khai Đề án nền công vụ theo hướng vừa hoàn thiện các bước tổng thể vừa triển khai một số nội dung đã đủ điều kiện, gắn với thực tiễn, nhu cầu của TP. Nói nôm na là tiếp tục triển khai thực hiện các quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền cho chính quyền TP. Vì điểm nghẽn chủ yếu nằm ở chỗ việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, kể cả trong Nghị quyết 98. Tuy nhiên, khi TP kết hợp cả ba văn bản quan trọng là Nghị quyết 31, Nghị quyết 98 và Nghị định 84 thì tính chất phân cấp, phân quyền sẽ rõ và đầy đủ hơn, giúp TP tháo gỡ nhiều ách tắc bấy lâu vốn mang tên “thủ tục hành chính”.

Cho nên các nhóm giải pháp lần này một mặt mỗi nhóm đều mang tính độc lập; mặt khác lại mang tính liên lập, tức bổ trợ cho nhau. Như nhóm giải pháp thứ năm này lại bổ trợ cho các nhóm giải pháp trước đó. Yêu cầu đặt ra là các nhóm phải pháp được tích hợp thành một cẩm nang để các sở, ban ngành, địa phương tham chiếu thực hiện.

P23_info.jpg

Đòn bẩy tạo sức bật mới cho thị trường

. Trong bối cảnh còn tồn đọng những khó khăn như hiện nay thì đâu là đòn bẩy để tạo sức bật mới cho thị trường TP.HCM, thưa ông?

+ Tôi cho rằng TP cần tiếp tục phát huy trong hai nhóm giải pháp là nhóm giải pháp thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và chương trình bình ổn thị trường và nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Định hướng xây dựng “TP lễ hội - sự kiện” đi cùng một số biện pháp kích cầu thường niên cũng như tăng mạnh trên sàn thương mại điện tử đã góp phần quan trọng đẩy mạnh sức tiêu dùng trong tổ hợp dịch vụ - du lịch. Để gia tăng nội lực cho một TP du lịch, hai ưu thế xanh - số đã được kích hoạt, đưa TP trở thành một điểm đến ngoài những ưu thế lâu nay thì còn thích ứng nhanh với các giao dịch số, dịch vụ số, thị trường số như một điểm thu hút mới mẻ.

Đơn cử như chương trình “Trăm doanh nghiệp, vạn đơn hàng, triệu tài khoản” để thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP mà đợt cao điểm livestream bán hàng ở huyện Cần Giờ, chợ Bến Thành là bước thí điểm thành công. Hay phát huy hiệu quả qua hai kỳ tổ chức “Cuộc thi thách thức net zero 2024” và Tuần lễ triển lãm quốc tế “net zero TP.HCM”, chúng tôi tiến tới đề xuất hình thành trung tâm net zero (net zero Hub HCMC)… Qua đó cho thấy tính năng động, giúp tiếp thu cái mới một cách nhanh nhạy; mãi lực thị trường tốt giúp việc ứng dụng cái mới ấy sớm thành những sản phẩm, mô hình giao dịch, mua bán trên thị trường.

tp-hcm-ra-7-nhom-giai-phap-khong-ai-duoc-khoanh-tay-ngoai-cuoc.jpg
TP.HCM tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách vượt trội dành để giải quyết những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh: NGUYỆT NHI

Không ai có thể khoanh tay, ngoài cuộc

. Cuối cùng thì mọi quyết sách, kế hoạch, chương trình hành động đều do con người thực hiện. Trong khi đó, nhân lực thực thi chính sách vẫn còn là khâu yếu của bộ máy công vụ, chưa kể còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai… Chỉ thị lần này của TP nhìn nhận vấn đề này ra sao?

+ Như tôi có nói ở trên, từng nhóm giải pháp là sự đặt để khối lượng, tính chất, mức độ công việc theo từng lĩnh vực, con người, đồng quy năng lực giải quyết, ứng phó và trách nhiệm. Lãnh đạo TP đã ra nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại để cùng nhau “vượt qua sợ hãi”, “vượt lên chính mình” và khi Nghị quyết 98 kết hợp cùng Nghị định 84 và Kết luận 14 được thể hiện trong chỉ thị lần này, xác lập hẳn vai trò điều phối, tập hợp, theo dõi, xử lý thì tính hành động sẽ gia tăng đáng kể.

Một mặt nào đó, với cách tổ chức triển khai theo nhóm, có từng tổ công tác “tác chiến” cao ngay tại hiện trường với trách nhiệm chính trị cao nhất trong toàn hệ thống thì không ai có thể bàng quan hay thủ thế, khoanh tay, ngoài cuộc. Chưa kể quá trình thực hiện chỉ thị này góp phần lượng hóa trong đánh giá năng lực, trách nhiệm công vụ, sẽ là “phiếu tín nhiệm” cho từng vị trí, chức năng từ cá nhân đến nhóm, đơn vị công tác.

. Xin cảm ơn ông.

Đã trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề án nền công vụ

Củng cố nền công vụ phục vụ nhân dân

Sở Nội vụ được giao nghiên cứu, triển khai đề án nền công vụ theo hướng vừa hoàn thiện các bước tổng thể vừa triển khai trước một số nội dung đã đủ điều kiện, gắn với thực tiễn, nhu cầu của TP trong năm 2024 và 2025. Mục tiêu là nhằm gỡ vướng các khó khăn, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính.

Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 do Sở Nội vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển phụ trách tham mưu xây dựng đề án theo chỉ đạo của UBND TP. Đến nay, đề án đã được trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương. Sau khi có chủ trương thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP sẽ chính thức ban hành đề án.

Việc xây dựng đề án nhằm củng cố vững chắc hơn nữa nền công vụ phục vụ nhân dân, làm chuyển biến bộ máy hành chính của TP; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…, giúp TP.HCM thực hiện tốt Nghị quyết 98/2023 cũng như các trọng trách mà Trung ương giao.

Với tinh thần đó, đề án đề xuất bốn nhóm, mục tiêu, giải pháp lớn mà TP cần tập trung, đổi mới để tạo ra sự đột phá, thay đổi chất lượng phục vụ nền công vụ. Mỗi nhóm giải pháp lại đề xuất từng nhóm mục tiêu chi tiết, cụ thể.

Gồm giải pháp về định hướng phát triển nền công vụ và công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công chức; giải pháp về hoàn thiện tổ chức, bộ máy; giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của TP ngang tầm nhiệm vụ và giải pháp hiện đại hóa nền công vụ.

*****

Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế của TP đạt ít nhất 80% (hướng tới năm 2030 sẽ đạt 100%). Chỉ tiêu này cũng được đưa vào Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 của UBND TP.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, UBND TP luôn đồng hành, hỗ trợ các chủ đầu tư về các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ; kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ các dự án quy hoạch điện và báo cáo tiến độ các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt…

TP đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng kiến nghị hỗ trợ giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ cho doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng được yêu cầu tích cực phối hợp với Sở Công Thương về các thủ tục pháp lý quy hoạch điện.

Ngoài ra, TP còn chủ trương thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các nhà máy hiện hữu theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 28/2023 của HĐND TP.

*****

Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM được giao duy trì tăng trưởng tín dụng bền vững; tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và cải cách hành chính; đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, đơn vị đã triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp tiền tệ, tín dụng năm 2024.

Trong đó, tổ chức thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với chính sách về lãi suất; cho vay nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên là động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho vay những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng mới như cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… đã và sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về lãi suất; về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và nâng cao hiệu quả quản lý, gắn với cải cách hành chính để tiếp tục tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện ổn định và giảm lãi suất cho vay bền vững.

*****

Phát triển thêm gần 70 ha công viên

Giai đoạn 2020-2025, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 150 ha đất công viên công cộng, giai đoạn 2026-2030 phát triển 450 ha đất công viên công cộng... Chương trình này đã được UBND TP phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch của UBND TP, đến cuối năm 2025, tổng diện tích công viên tăng thêm 108,84 ha. Tính đến hết quý I-2024, tổng diện tích công viên tại TP.HCM đã phát triển thêm 38,99 ha nên cần phát triển thêm 69,85 ha.

Sở Xây dựng TP kiến nghị các địa phương chỉ đạo đơn vị có liên quan đẩy nhanh thực hiện tiến độ các dự án xây dựng công viên được giao, đảm bảo hoàn thành dự án trước ngày 30-4-2025; Sở QH-KT hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trong việc triển khai lập, trình và phê duyệt quy hoạch, quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn để làm cơ sở triển khai dự án.

L.THOA - N.CHÂU - T.LINH

Đọc thêm