Sáng 24-3, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chính thức ra mắt Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương sau hơn hai năm nghiên cứu.
Đây là mô hình đầu tiên thí điểm trên địa bàn TP.HCM, có chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Ra mắt Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến mô hình một cửa để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý.
Theo ông Thinh, việc triển khai thí điểm Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên TP.HCM đặt tại cơ sở y tế là một giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Kinh nghiệm ứng phó với bạo lực giới cho thấy cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên bệnh nhân ở các nhóm độ tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau tìm đến.
Với mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại BV Hùng Vương, các bệnh nhân có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại sau khi được tiếp nhận, điều trị, chăm sóc y tế sẽ được kết nối với phòng CTXH và chuyển đến phòng "Bồ công anh" (phòng một cửa). Bệnh nhân tại đây được chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý. Toàn bộ quy trình sẽ được bảo mật theo nhu cầu.
Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên CTXH BV sẽ chuyển gửi nạn nhân đến Trung tâm CTXH - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.
Ông Lê Văn Thinh trò chuyện cùng bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Ông Thinh nhấn mạnh: “Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân trên địa bàn TP".
Mô hình sẽ vận hành với phương châm công khai tiếp nhận - bí mật thông tin - đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực.
Là một trong những người tham mưu để thành lập mô hình này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP), cho biết trước đây trẻ em bị bạo hành hay xâm hại, phải đi nhiều nơi để cầu cứu, lấy lời khai, làm giám định, quy trình kéo dài gây mệt mỏi cho trẻ.
“Trường hợp cần lưu giữ chứng cứ xâm hại ngay, nhưng đi lòng vòng, thời gian kéo dài dễ khiến chứng cứ bị mờ nhạt dần. Hơn nữa, nếu sự việc trôi qua lâu, trẻ em ngại nói gây khó cho việc lấy lời khai. Vì thế mô hình một cửa sẽ hỗ trợ nạn nhân một cách nhanh chóng, quy trình khép kín, bảo vệ danh tính nạn nhân” - bà Nữ nhận định.
Bệnh nhân có dấu hiệu bị xâm hại sẽ được gặp chuyên gia tâm lý tại phòng tư vấn, đảm bảo bí mật thông tin. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Theo luật sư Ngọc Nữ, sắp tới, Chi hội sẽ hướng đến tuyên truyền tận khu phố để phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, xâm hại biết tìm đến đúng nơi để được giúp đỡ. Hội Liên hiệp phụ nữ phường có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận trực tiếp và hướng dẫn nạn nhân đến BV Hùng Vương để được điều trị và tư vấn tâm lý, pháp lý.
Gần 63% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời.
Tuy nhiên, khoảng 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.