TP.HCM sẽ có các mức hỗ trợ vượt trội cho cán bộ nghỉ việc do tinh gọn bộ máy

(PLO)- Sở Nội vụ TP.HCM đang khẩn trương trình nghị quyết các mức hỗ trợ vượt trội tăng thêm đối với những cán bộ nghỉ việc do sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Ngày 3-1, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học tham vấn chuyên gia về bộ công cụ khảo sát thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền TP.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang dự thảo bảng khảo sát nhận thức nhằm thu thập thông tin về quan điểm, ý kiến, cảm nhận và thái độ của công chức, viên chức với mục tiêu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: LÊ THOA

Để người giỏi xem TP.HCM là cơ hội phát triển

Tại tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề cập bài toán giữ chân người tài khi thực hiện tinh gọn bộ máy. Ông cho rằng cần có chính sách khuyến khích làn sóng mới, gia tăng nhân tài vượt trội tham gia hệ thống chính trị để đáp ứng nhu cầu mới.

“Làm sao để người giỏi, người tài vượt trội trên các lĩnh vực có thể xem TP.HCM là một cơ hội để làm việc” - TS Vũ nói.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana (Hoa Kỳ), nêu quan điểm: Nếu cắt giảm thì phải trả lời được câu hỏi cắt ở đâu, cắt ai và cắt như thế nào. Trả lời được ba câu hỏi này sẽ tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.

Theo ông, chúng ta cảm nhận được hệ thống chính trị chưa hiệu quả nhưng không biết chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu. Trong khi đó không thể cứ đưa kéo vào và cắt được.

TS Huỳnh Thế Du gợi ý giai đoạn đầu TP.HCM nên cắt giảm người thực sự cần phải giảm. Sau đó, trong năm 2025, TP.HCM giao việc cho cán bộ cùng thể hiện khả năng, tạo kết quả để đánh giá mới thực sự quyết định “ai đi, ai ở”. “Với cách làm thực tế như vậy, tôi cho là vừa thấu tình đạt lý và cũng tạo ra kết quả tốt” – TS Du nói.

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng phải thống nhất nhận thức câu chuyện “đi hay ở”. “Đi cũng phải đi một cách đàng hoàng như các lãnh đạo TP nói đó là một sự hy sinh còn người ở lại cũng phải có trách nhiệm” – TS Hiền nói và cho rằng đây là cơ hội cho cả hai, người đi có cơ hội ra ngoài làm việc, người ở lại có thêm nhiều cơ hội để cống hiến.

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Nhìn rộng hơn, TS Bùi Ngọc Hiền đánh giá đây là cơ hội để tái cấu trúc bộ máy, nhằm đạt được hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, cũng như thực hiện được các nhiệm vụ mà Đề án nền công vụ TP.HCM đã đề ra.

TS Hiền mong muốn thông qua bảng khảo sát sẽ lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức gắn với trách nhiệm và đề xuất từ nhu cầu thực tiễn của bộ máy. Đồng thời khảo sát một số sở, ngành về dự kiến sắp xếp cán bộ.

Sẽ hỗ trợ vượt trội cho cán bộ dôi dư

Bà Nguyễn Hồng Vân, Trưởng phòng Công chức – Viên chức, Sở Nội vụ, cho biết việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc tất yếu cần phải làm.

Theo bà, TP phải tinh giản ít nhất 15% cán bộ, công chức, viên chức nhưng phải làm sao để đảm bảo hiệu quả, tránh xáo trộn, ảnh hưởng tâm tư, tình cảm của cán bộ.

Bà Vân cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với sở, ngành để sắp xếp tổ chức bộ máy hoàn tất trước tháng 3-2025. “Chúng ta không thể sắp xếp cơ học được vì còn phụ thuộc vào trình độ, nguyện vọng, mong muốn… của cán bộ và thống nhất quan điểm thực hiện có lộ trình” – bà Vân nói.

Bà Nguyễn Hồng Vân, Trưởng phòng Công chức – Viên chức, Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Hiện nay, để kịp thời giải quyết chế độ chính sách, Chủ tịch UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương trình nghị quyết các mức hỗ trợ vượt trội tăng thêm đối với những người nghỉ việc do sắp xếp (nghỉ hưu, nghỉ việc, thôi việc).

Sau khi tinh gọn bộ máy, TP.HCM cũng cần có kế hoạch để bộ máy hoạt động hiệu quả gắn liền với đề án nền công vụ.

Góp ý cho bảng khảo sát đội ngũ cán bộ, công chức, bà Nguyễn Hồng Vân cho rằng cần khảo sát đánh giá của cán bộ về những bộ phận, cơ quan, đơn vị nào chưa hoạt động hiệu quả, cần sắp xếp lại. Đồng thời trực tiếp hỏi về chính sách hỗ trợ, nguyện vọng rời đi; khảo sát những người ở lại về việc sẵn sàng tiếp nhận công việc mới ra sao, có yêu cầu gì với tổ chức chính quyền không…

4 nhóm cán bộ dôi dư

Theo đề xuất, Sở NN&PTNT dự kiến sáp nhập với Sở TN&MT. Tôi nhận thấy có bốn nhóm đối tượng dễ bị dôi dư khi sáp nhập sở, ngành là văn phòng, thanh tra, kế hoạch - tài chính, tổ chức cán bộ.

Tôi đề nghị TP.HCM tập trung khảo sát bốn nhóm đối tượng này để nắm bắt đúng tâm tư, tình cảm của cán bộ.

Ông LÊ HOÀNG THI, Sở NN&PTNT TP.HCM

*****

Công chức cần nhìn lại mình

Đối với câu hỏi tinh giản ai thì với những cán bộ, công chức ứng dụng tốt chuyển đổi số, công nghệ cũng nên xem là một yếu tố xem xét có tinh giản hay không.

Việc tinh gọn lần này cũng là lúc để cán bộ, công chức nhìn lại những kỹ năng nào mình cần bổ sung thêm; cần học thêm phần mềm nào, vận dụng thêm công nghệ gì để công việc tốt hơn. Đồng thời, nghiên cứu lĩnh vực nào để công việc có chiều sâu hơn, thích nghi với bối cảnh quốc tế hơn…

Có nghĩa, trong bối cảnh chuyển đổi, mỗi người phải tự trang bị, cải thiện chính mình cho phù hợp với xu hướng phát triển. Nếu không phù hợp, họ sẽ chuyển công việc khác phù hợp hơn với năng lực của mình.

Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới