Ngày 2-6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2023.
|
Huyện Cần Giờ gắn với rừng sinh quyển và kinh tế biển, dự kiến đến năm 2030 sẽ lên thành phố. Ảnh: VIỆT HOA |
Hóc Môn muốn lên thành phố
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết qua nghiên cứu đề án, huyện xác định nếu chuyển lên quận thì có nhiều chỉ tiêu khó đạt. Đặc thù của huyện cũng còn nhiều khu vực nông thôn không thể chuyển thành đô thị.
Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thảo luận và thống nhất xây dựng đề án định hướng Hóc Môn lên TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2020- 2030, phù hợp với xu thế chung, định hướng phát triển đô thị sinh thái, hiện đại khu vực Tây Bắc của TP.
Ông Nguyễn Văn Tuyên cũng cho biết huyện đã làm dự thảo, nhận được góp ý của bảy sở, ngành và tiếp tục ghi nhận các ý kiến của chuyên gia để hoàn thiện.
Huyện Hóc Môn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động phi nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%. Cơ cấu kinh tế của Hóc Môn cũng đang chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
UBND huyện Hóc Môn dự báo với những công trình đang xây dựng, trong vài năm tới huyện sẽ có sự thay đổi và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tránh làm đại trà, dàn trải
Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá cả năm huyện có vị trí cửa ngõ rất quan trọng, kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Vì vậy nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM là vấn đề bức thiết.
Việc chuyển đổi sẽ tạo ra nhiều thời cơ và cơ hội tốt cho việc đầu tư, giãn cách mật độ đô thị, giúp TP.HCM có cơ hội thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực.
Việc này cũng giúp thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc cho TP, giúp hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn, hiện đại, sáng tạo với số hóa và cải cách thủ tục hành chính ở mức cao giúp hoạt động hiệu quả, sáng tạo và mang lại chất lượng công việc cao.
PGS.TS Vũ Tấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, kiêm Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra thách thức khi chuyển năm huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách TP đang gặp khó khăn, việc xây dựng mô hình có tính thực tế cần thời gian nghiên cứu, tìm tòi để phù hợp với điều kiện thực tế, có tính tối ưu nhất.
Việc tổ chức bộ máy của năm huyện hiện theo mô hình chính quyền nông thôn nên còn hạn chế về phân cấp, chưa quản lý và khai thác được các tiềm năng trong phát triển.
Nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của chính quyền đô thị cũng là một thách thức, không chỉ với năm huyện mà cả TP.HCM. Ông Hưng cho rằng cần phải chuẩn bị các phương án nhân sự chu đáo, có đào tạo và lộ trình phù hợp.
Ông cũng đưa ra ý kiến, UBND TP và các sở ngành nên dành nguồn lực tương xứng để thực hiện đề án, rút ngắn quá trình. Đồng thời, cần căn cứ vào thực tiễn của từng địa phương để xem xét, lựa chọn phù hợp chứ không thực hiện đại trà. "Cần có bước đi, lộ trình phù hợp để tập trung nguồn lực, đảm bào hiệu quả, tránh xáo trộn bộ máy, nhân lực" - ông Hưng nêu rõ.
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, qua đối chiếu các tiêu chí khi chuyển huyện thành quận hoặc TP, dựa trên các yếu tố về dân số, diện tích, trình độ phát triển kinh tế- xã hội và cơ sở hạ tầng thì Bình Chánh là huyện đạt nhiều tiêu chí nhất (26/30 tiêu chí). Huyện Cần Giờ là địa phương đạt thấp nhất chỉ có 19/30 tiêu chí, huyện Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí.
Quy hoạch cần phát huy lợi thế cảnh quan sông nước
Còn TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, thuộc Sở QH-KT TP.HCM đã đề cập đến đề án phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, ông nhấn mạnh rằng chính sách huy động nguồn lực sẽ quyết định đến thành công của đề án.
Ông Tuấn cho rằng cần phải có quy hoạch cụ thể, cập nhật đề án trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới; cùng đó là chiến lược tạo ra quỹ đất, chính sách đền bù, tạo cuộc sống mới cho người dân và chiến lược huy động nguồn lực ban đầu để tạo ra nguồn lực mới, cân đối nguồn vốn Trung ương với địa phương.
Cùng mối quan tâm về hạ tầng đô thị, TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức cho rằng khi chuyển đổi, các huyện cần phát huy lợi thế về địa lý cảnh quan sông nước, phải ưu tiên phát triển đường thủy, đường bộ.
Ông Hiếu cũng cho rằng các huyện có nguồn lực đất đai lớn nên khi chuyển đổi, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội thì cần giải quyết các vấn đề môi trường cho TP như ngập lụt đô thị, ô nhiễm nước, suy thoái đất, xâm thực mặn…
Định hướng 4 huyện lên TP trực thuộc TP.HCM, 1 huyện lên quận
Theo Đề án, huyện Cần Giờ phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM, phát triển thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…
Với đề xuất phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM, huyện Củ Chi định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...
Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Trong đó, huyện sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistics…
Huyện Bình Chánh định hướng chuyển huyện thành TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và đề ra các chương trình đột phá, gồm đổi mới phát triển, hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…
Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Hiện, huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt, tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số…