Ngày 7-1, chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 1-2024 do HĐND TP.HCM tổ chức, đã tiếp tục diễn ra với chủ đề “Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM”.
Phê duyệt kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm
Tại chương trình, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng TP cần nhìn nhận nghiêm túc về việc huy động các nguồn lực thúc đẩy TP phát triển.
Theo GS Hoài, nguồn lực đất đai tại TP.HCM có hạn chế trong phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả, thoả mãn nhu cầu của người dân. “Năm 2024, TP có giải pháp nào để sử dụng, tái cấu trúc nguồn lực đất đai trong quy hoạch đô thị, khơi thông nguồn lực, tạo động lực phát triển kinh tế TP năm 2024 và những năm tiếp theo” – GS Hoài hỏi.
Trả lời GS Phan Trọng Hoài, Phó Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Văn Thanh cho biết những năm qua, TP xác định nguồn thu từ đất đai chiếm vai trò trọng tâm.
Để tạo nguồn thu từ đất đai, ông Thanh cho biết TP có cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Trong đó, đã cho TP thí điểm cơ chế tạo quỹ đất và đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ thông qua việc cho phép thu hồi đất đối với các khu đất vùng phụ cận nhà ga, tuyến đường sắt, được cấp thẩm quyền phê duyệt…
Thực hiện việc này, Sở TN&MT đã dự thảo xong quy chế, sau khi được thông qua sẽ tổ chức thực hiện từ năm 2024.
Riêng đối với công tác đấu giá đất, ông Thanh thông tin năm 2024 và những năm tiếp theo, TP sẽ xây dựng kế hoạch đấu giá cho các khu đất trong, ngoài khu vực Thủ Thiêm.
“Hiện nay TP đã phê duyệt các nội dung đấu giá đất bên trong Thủ Thiêm và sẽ hoàn chỉnh các nội dung đấu giá bên ngoài Thủ Thiêm trong thời gian tới. Đây là nguồn thu trực tiếp cho TP” – ông Thanh cho biết.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn, nhằm giải quyết các vướng mắc về đất đai.
Sắp hoàn thành nhiều dự án giao thông
Tại diễn đàn, bà Đặng Thị Ba, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, nhìn nhận mặc dù hạ tầng giao thông TP được lãnh đạo các cấp hết sức đầu tư, có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn chưa đạt được so với yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển du lịch. Đặc biệt tình trạng ùn tắc giao thông trong TP diễn ra phức tạp.
“Đề nghị TP cho biết năm 2024 sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến giao thông trọng điểm nào để kết nối, hoàn thiện hệ thống giao thông TP, góp phần phát triển kinh tế - xã hội” – bà Ba nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi trên, Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng cho biết về tổng thể chung, hạ tầng giao thông TP có các tuyến vành đai kết nối cao tốc và đường đô thị. Trong đó, Vành đai 2 là tuyến vành đai nội đô, Vành đai 3 liên kết TP.HCM với Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang triển khai và Vành đai 4 kết nối các tỉnh và Bà Rịa – Vũng Tàu có thể được trình Trung ương vào thời gian tới.
Lý giải về tình trạng ùn tắc giao thông, ông Bằng nhìn nhận do hệ thống đường vành đai chưa hoàn thiện, dẫn đến việc kết nối giao thông với các tỉnh vẫn phải đi qua các tuyến đường nội đô của TP.HCM. Sân bay Tân Sơn Nhất hay cảng Cát Lái vẫn nằm trong khu vực nội đô.
Theo ông Bằng TP đang thực hiện các giải pháp để kéo giảm ùn tắc tại hai khu vực này.
Riêng dự án metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành công đoạn cuối, có thể đưa vào khai thác vào tháng 7-2024. Sở GTVT sẽ thực hiện kết nối xe buýt vào ga metro, hoàn thành đồng thời với thời gian đưa metro vào khai thác.
Ông Phan Công Bằng cũng thông tin các dự án giao thông quan trọng khác trên địa bàn TP. Ông cho biết Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi) dự kiến đưa vào khai thác năm 2024. Tại TP Thủ Đức có cầu Thăng Long, nếu bàn giao mặt bằng đúng thời hạn thì có thể hoàn thành trong năm nay.
Riêng nút giao An Phú đang được triển khai thi công quyết liệt, cố gắng đến cuối năm 2024 sẽ xong cơ bản một số hạng mục chính, giải quyết tình trạng ùn tắc phía Đông TP.
Ngoài ra, TP.HCM đang quyết liệt hoàn thiện hồ sơ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, trình Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư vào quý I-2024.