Tạo sức bật cho kinh tế TP.HCM từ các ‘siêu’ dự án

(PLO)- TP.HCM cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, giúp nhà đầu tư sớm thi công các "siêu dự án" như Khu đô thị lấn biển, cảng trung chuyển Cần Giờ, đường sắt đô thị…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra nhưng năm 2023 TP.HCM đã thành công trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, thể hiện qua nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, đà tăng trưởng sức mua tiêu dùng nội địa hay thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài...".

van-5491.jpg
Ths Nguyễn Trúc Vân

Ths Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, khẳng định điều này và nhìn nhận TP.HCM đã trải qua một năm 2023 với nhiều thách thức, khó khăn nhưng bức tranh kinh tế vẫn có những gam màu sáng nổi bật.

Quán quân thu hút đầu tư FDI

.Phóng viên: Mặc dù TP.HCM không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra là 7,5 – 8% nhưng các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao nỗ lực phục hồi nền kinh tế từng “chạm đáy"...

+ Ths Nguyễn Trúc Vân: Dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra nhưng TP.HCM đã thành công trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cải thiện, bứt phá qua các quý trong năm 2023 (quý I tăng 0,7% nhưng tới quý IV đã tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2022).

Tạo sức bật cho kinh tế TP.HCM từ các ‘siêu’ dự án
TP.HCM năm 2023 đã thành công trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Một trong những yếu tố để đạt được điều này là TP duy trì được đà tăng trưởng sức mua tiêu dùng nội địa. Ảnh: TÚ UYÊN

Đặc biệt, tăng trưởng quý IV-2023 của TP đứng thứ 17/63 tỉnh, thành có mức tăng GRDP cao nhất cả nước; đứng thứ 2/5 TP trực thuộc Trung ương (chỉ sau Hải Phòng) và đứng thứ nhất trong vùng Đông Nam bộ.

TP.HCM cũng duy trì được đà tăng trưởng sức mua tiêu dùng nội địa. Cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng doanh thu du lịch và lượng khách quốc tế đều tăng cao so với cùng kỳ…

Đáng chú ý, TP là “quán quân” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể năm 2023 TP đã thu hút được khoảng 5,85 tỉ USD, tăng 48,5%.

Riêng tỉ lệ giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng TP là một trong hai địa phương có số vốn đầu tư công giải ngân cao nhất cả nước. Tính đến 31-12-2023, tổng số vốn đầu tư công giải ngân là gần 43.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 63% tổng số vốn được giao. Con số này so với năm 2022 cao hơn gần 20.000 tỉ đồng, gấp 1,8 lần.

kinh-te-tphcm-2024-6271.jpg
Với sự vào cuộc của chính quyền TP.HCM cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kinh tế TP trong năm 2024 sẽ có những khởi sắc mạnh mẽ về kinh tế. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kinh tế khởi sắc mạnh từ quý III-2024

. Năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7%, cộng với thách thức từ thị trường trong nước khi đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi, liệu TP.HCM sẽ hoá giải bài toán này ra sao?

+ Với việc phân tích bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu cũng như trong nước, có thể nhận thấy trong quý I và II năm 2024, rất khó kỳ vọng vào động lực tăng trưởng kinh tế từ xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, động lực từ tiêu dùng nội địa cũng bị suy giảm sau đại dịch COVID-19 và cần thời gian để phục hồi nên khó tạo ra cú hích mạnh cho nền kinh tế.

Tương tự, đầu tư khu vực tư nhân cũng khó có đột phá khi họ cũng bị suy kiệt sau những năm ảnh hưởng của dịch.

Vì vậy, động lực chính làm bệ đỡ tăng trưởng kinh tế TP quý I và II-2024 là đầu tư công. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán khó trong năm này.

Nếu đầu tư công được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, sẽ tạo ra sự kích hoạt với đầu tư tư nhân và tiêu dùng. Thêm vào đó, đầu tư công được thực hiện trên thực tế sẽ giúp hình thành thu nhập của người lao động, nhà cung ứng. Qua đó lan tỏa thu nhập cho nền kinh tế và tạo được sức cầu nội địa.

Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tạo đà tăng trưởng cho thành phố trong hai quý này.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền TP trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và sự phục hồi kinh tế thế giới bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2024, tôi kỳ vọng kinh tế TP sẽ khởi sắc mạnh từ khoảng quý III-2024.

. Trước đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM từng dự báo về chu kỳ kinh tế sẽ quay trở lại (dự kiến là cuối quý II-2024), liệu vấn đề này có đáng lo?

+ TP.HCM luôn đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững là tiên quyết. Vì vậy, tôi cho rằng TP.HCM chỉ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu này.

Trong đó, TP cần chú trọng củng cố, nâng cao năng lực nội tại, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số hướng đến công dân số, TP số, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...

cang-can-gio.jpeg
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn. Ảnh: ĐƠN VỊ TƯ VẤN CUNG CẤP

Bước vào đầu tư các dự án lớn ở Thủ Thiêm, Cần Giờ

. Năm 2024, TP.HCM tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%-8%, vậy điều kiện nào để TP đạt được mục tiêu này?

+ Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%-8% là một thách thức lớn và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, chung tay của các doanh nghiệp.

Do đó, để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn các ngành dịch vụ khoa học-công nghệ, logistics, dịch vụ tài chính. Đáng chú ý, kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng cho TP.

Thu nhập của người lao động được cải thiện, khi đó sẽ tạo điều kiện gia tăng mức tiêu dùng nội địa. Các giải pháp kích cầu du lịch, chuyển đổi số trong du lịch cũng sẽ tạo đà cho doanh thu thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh.

Đặc biệt, TP nên triển khai xây dựng TP trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao; triển khai Trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ khởi công các công trình hạ tầng quan trọng, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể bước vào giai đoạn thi công xây dựng các dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng trung chuyển Cần Giờ, dự án đường sắt đô thị…

Một điều kiện khác là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ thu hút được nhiều hơn do tăng trưởng kinh tế của các quốc gia là nhà đầu tư FDI của TP có chiều hướng phục hồi tích cực. Từ đó, thúc đẩy tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng, tạo đà tăng trưởng đột phá cho TP.

Như vậy, khi nguồn thu đảm bảo và tăng trưởng tốt, đảm bảo chi đầu tư phát triển tăng và chiếm tỉ trọng khá trong tổng chi ngân sách địa phương sẽ tạo lực tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM trong năm 2024 này.

. Xin cảm ơn bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm