UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền được phân cấp; công tác hậu kiểm việc chấp hành các kết luận kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành, xử phạt nghiêm vi phạm theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật;…
Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần chủ động kiểm tra đối với các cơ sở, doanh nghiệp thuộc điểm nóng, bị người dân phản ảnh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý. Nâng cao hiệu quả công tác xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của UBND TP tại công văn số 2525/UBND-ĐT ngày 26-6-2019; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng theo chỉ đạo của UBND TP về sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương trên đại bàn TP đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
TP.HCM tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. (Ảnh: CHÂU NGUYÊN)
Theo UBND quận 12, trong ba tháng đầu năm 2021, một số phường của quận này đã tổ chức 12 đối thoại với nhân dân về công tác bảo vệ môi trường. Quận 12 có 18 camera giám sát chất lượng vệ sinh môi trường. Đến nay, trên địa bàn quận đã giải quyết 78/78 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó đã chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng là 33 điểm (sân bóng, công viên, vườn hoa…). Ngoài ra, trong ba tháng đầu năm, quận 12 cũng đã nhắc nhở xử phạt nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Quận 12 cũng đã tiếp nhận phản ánh của người dân qua website quận, facebook, zalo, kiến nghị của phường… Trong ba tháng đầu năm, quận đã tiếp nhận 217ý kiến phản ánh của người dân liên quan về trật tự môi trường.
Theo UBND quận Gò Vấp, với nhiều giải pháp được thực hiện, trong năm 2020 quận Gò Vấp đã xóa 10 điểm đen. Năm 2021 phát sinh hai điểm đen mới về rác thải ở phường 5 và phường 7, UBND phường 5 và phường 7 đã nhiều lần thực hiện dọn dẹp vệ sinh để xóa điểm đen trên, đến nay đã xóa một điểm đen ở phường 7.
Đồng thời, UBND quận Gò Vấp cũng đã chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp UBND các phường và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các trường hợp đổ rác bừa bãi, tránh tái phát sinh điểm tồn đọng rác nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng đổ rác không đúng quy định. Từ đầu năm 2021 đến nay, quận Gò Vấp đã xử phạt 10 trường hợp, số tiền phạt hơn 19 triệu đồng với các hành vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng, ô nhiễm môi trường.
TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để giảm rác thải nhựa Chất thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Vì vậy, để kiểm soát chất thải nhựa, TP.HCM đã đưa ra kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, TP.HCM khuyến khích việc phân loại chất thải nhựa nằm lẫn trong chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển, hoặc nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và ưu tiên chuyển giao chất thải nhựa cho đơn vị tái sử dụng, tái chế có chức năng. Trong trường hợp chất thải nhựa không còn khả năng tái sử dụng, tái chế thì thực hiện các giải pháp xử lý khác phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần,… |