TP.HCM đưa ra giải pháp giảm rác thải nhựa

Theo Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn. Chất thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Do đó, để kiểm soát chất thải nhựa, TP.HCM đã đưa ra kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM.

Ưu tiên tái chế chất thải nhựa

Một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa là tổ chức phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Theo đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo đúng định hướng, chỉ đạo của UBND TP. Đồng thời khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn đối với chất thải nhựa riêng biệt với các loại chất thải khác. Qua đó, giúp cho các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thau65n lợi hơn, kinh tế hơn.

TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: CN

Bên cạnh đó, TP.HCM khuyến khích việc phân loại chất thải nhựa nằm lẫn trong chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển, hoặc nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và ưu tiên chuyển giao chất thải nhựa cho đơn vị tái sử dụng, tái chế có chức năng. Trong trường hợp chất thải nhựa không còn khả năng tái sử dụng, tái chế thì thực hiện các giải pháp xử lý khác phù hợp, hiệu quả.

TP.HCM cũng sẽ tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật hoặc các phong trào, chiến dịch thu gom chất thải rắn, chất thải nhựa ở nơi công cộng, khu đất trống, sông, kênh, rạch... trên địa bàn.

Ngoài ra, sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần,…

Hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì khó phân hủy

Thói quen sử dụng túi nylon, nhựa dùng một lần có thể đem lại sự tiện lợi cho con người nhưng nó lại là tác nhân gây ô nhiễm lớn cho môi trường. Do đó, một trong những kế hoạch của TP.HCM là hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người dân... trên địa bàn TP.

Ngoài ra, TP sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn thải nhựa phát sinh trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. TP cũng sẽ tiếp tục vận động, đôn đốc các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh… trên địa bàn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà TP đưa ra.

Cụ thể, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nylon cho người tiêu dùng. Hướng đến việc tính phí túi, bao bì đựng hàng hóa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm...

Các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng ăn uống... có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng có mang theo sản phẩm để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống...

 

Tăng cường xử lý hành vi vứt chất thải nhựa nơi công cộng

TP.HCM sẽ kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, vứt bỏ chất thải, chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng trên địa bàn theo quy định.

Đồng thời, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm vê thuê bảo vệ môi trường, thuê giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất, phân phối, kinh doanh bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường và hoạt động tái sử dụng, tái chê chât thải nhựa trên địa bàn TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm