Thông tin trên được ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, báo cáo trước kỳ họp HĐND TP ngày 10-7.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp trong một giờ chào cờ. ẢNH: NGUYỄN QUYÊN
Theo ông Sơn, dự kiến năm học 2018-2019, dự kiến toàn thành phố tăng 67.234 học sinh (trong đó: Công lập 43.407, ngoài công lập 21.624). Chia ra theo các cấp học.
Mầm non tăng 20.225 học sinh (công lập: 7.580, ngoài công lập: 16.455).
Tiểu học tăng 26.812 học sinh (công lập 18.829, ngoài công lập: 1.723).
THCS tăng 10.406 học sinh (công lập: 10.345, ngoài công lập: 61).
THPT tăng 9.791 học sinh (công lập: 6406, ngoài công lập: 3.385).
“Nhìn chung, số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chỉ, những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao" - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng cho biết năm học 2017-2018, số học sinh không có hộ khẩu tại TP là 294.239, bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh tham gia học hai buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố. “Hiện một số quận, huyện có nhiều trường có quy mô trên 40-50 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy” - ông Sơn nói.
Năm học tới đây, dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng là 882 phòng (trong đó số phòng học tăng thêm là 641 phòng, xây thay thế là 241 phòng) với tổng mức đầu tư là 2.336.808 triệu đồng.
Ông Sơn cũng cho hay định mức số người làm việc cũng là một khó khăn của ngành. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của ngành trong năm học này là 425 giáo viên, nhân viên trong khi tổng số ứng viên đăng ký trực tuyến là 1.860 người.