TP.HCM tháo điểm nghẽn, khơi thông dư địa phát triển

(PLO)- Hai tháng cuối năm TP.HCM sẽ tập trung giải ngân đầu tư công gắn với phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp hai tháng cuối năm.

Kinh tế TP có thể tăng trưởng vượt chỉ tiêu

Tại phiên họp, đánh giá chung về tình hình kinh tế TP trong 10 tháng qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận kinh tế - xã hội TP có nhiều điểm nổi bật. Tăng trưởng 10 tháng đầu năm của TP ở mức 9,97%. Con số này cho thấy năm 2022 TP có khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra (dự báo đạt 9,41%).

Về thu ngân sách năm 2023, dự kiến trung ương giao cho TP.HCM là 469.000 tỉ đồng, tăng 80.000 tỉ đồng so với năm 2022. Theo ông Mãi, trong bối cảnh kinh tế TP quý IV đang có dấu hiệu chững lại, sụt giảm thì năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn. “Việc thu ngân sách với chỉ tiêu như trên cũng là một thách thức” - Chủ tịch UBND TP nhìn nhận và cho rằng tình hình tăng trưởng, sản xuất công nghiệp đang ở mức khá với tỉ lệ 17,4% nhưng một số lĩnh vực, một số ngành còn khó khăn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTBC

Ông cho biết kinh tế TP trong 10 tháng qua cũng xuất hiện nhiều mặt bất lợi. Đơn cử như sự việc của Ngân hàng SCB ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị… không chỉ của TP mà của cả nước; tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cũng tạo ra tâm lý không yên tâm, thiếu tin tưởng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội TP. Xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí lãi suất cao của thế giới cũng ảnh hưởng đến TP…

Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay một vấn đề lớn của TP là tỉ lệ giải ngân đầu tư công ở mức rất thấp so với bình quân cả nước; việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế, thái độ công vụ tại một số nơi chưa tốt, chưa hiệu quả.

108/550

cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM thiếu xăng, chiếm tỉ lệ khoảng 20%, tính đến trưa 1-11. Đây là con số được Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin tại phiên họp.

Theo ông Vũ, nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM thiếu hụt một phần do một đơn vị đầu mối lớn bị rút giấy phép; cơ chế điều hành chưa đảm bảo lợi ích của các bên trong chuỗi cung ứng, phân phối và doanh nghiệp bán lẻ…

Dùng chính nội lực của TP để tháo điểm nghẽn

Để khắc phục những khó khăn trên, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu từng sở, ngành, quận, huyện chuẩn bị việc xây dựng kế hoạch năm 2023 trên tinh thần đánh giá đúng những khó khăn, tác động để xác định chủ đề trọng tâm và các giải pháp.

Trong năm 2023, ông Mãi cho rằng cần đặt nhiệm vụ trọng tâm là dùng nội lực của TP để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dư địa để tiếp tục phát triển. Cụ thể, TP cần rà soát 51 dự án, điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công, phân bổ lại nguồn lực. Sở KH&ĐT cần có sự theo dõi sát sao để đảm bảo kế hoạch, tiến độ.

Riêng trong tháng 11 này, Sở KH&ĐT phải xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội, hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Phan Văn Mãi giao Sở Tài chính hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài chính công. Sở TN&MT hoàn thiện kế hoạch đấu thầu, đấu giá một số nhà đất để sang năm triển khai, rà soát các nhà đất ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác để có kế hoạch khai thác sử dụng hiệu quả.

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành địa phương có trách nhiệm hơn trong thực hiện chủ đề năm, nâng cao chất lượng công vụ; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai đề án logistics; hoàn thiện việc tiếp thu, góp ý đề án trung tâm tài chính quốc tế

Trong hai tháng cuối năm, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ các dự án bất động sản, các vướng mắc về quy hoạch... để làm sao phát huy nội lực của TP. Tập trung thực hiện quy hoạch chung TP Thủ Đức trong tháng 11; triển khai nhanh các công việc chung của quy hoạch chung TP.HCM cũng như quy hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050… “Chậm nhất là đến quý III-2023 phải trình quy hoạch kinh tế - xã hội TP” - ông Mãi yêu cầu.

TP.HCM thu ngân sách vượt kế hoạch năm 2022

Tại phiên họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tình hình kinh tế TP trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn ngành trọng điểm ước tính tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Còn theo Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm ước tính đạt hơn 392.790 tỉ đồng, đạt hơn 101% dự toán năm và tăng hơn 22% so với cùng kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm