TP.HCM: Thay cán bộ yếu kém, tiêu cực trong giải ngân đầu tư công

(PLO)- Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo quận, huyện, TP Thủ Đức thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý, giải ngân đầu tư công.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định ban hành chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Theo chương trình hành động, TP.HCM xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024 của cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn TP. Từ đó đặt mục tiêu giải ngân năm 2024 đạt từ 95% trở lên.

TP.HCM thay thế cán bộ yếu kém, tiêu cực trong giải ngân đầu tư công-giai-ngan-dau-tu-cong
TP.HCM ban hành chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM cũng tập trung giải ngân các dự án trọng điểm, có sử dụng vốn ngân sách Trung ương và phấn đấu hoàn tất toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trong năm 2024.

Kỷ luật cơ quan, đơn vị không báo cáo đầy đủ

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM giao Sở KH&ĐT định kỳ giám sát, bám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đảm bảo tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, thi công dự án, giải ngân vốn theo cam kết.

Phối hợp với các đơn vị đề xuất linh hoạt trong bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn; kiên quyết, sớm điều chỉnh giảm vốn dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt.

Tập trung bố trí vốn cho các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm có tác động lan tỏa, tuyệt đối không dàn trải để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Sở KH&ĐT có trách nhiệm tham mưu xử lý cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

Cụ thể, 2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo bị khiển trách; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 4 kỳ không báo cáo bị cảnh cáo. Trong trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo, các dự án đầu tư công chỉ được bố trí vốn kế hoạch và giải ngân sau khi tiến hành xử phạt.

Sở này cũng tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương theo hướng giao các dự án của TP cho các đơn vị trực thuộc UBND các quận huyện và TP Thủ Đức làm chủ đầu tư nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương, nhất là công tác giải phóng mặt bằng...

Thay thế cán bộ yếu kém, tiêu cực

UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất về phê bình, khiển trách, kỷ luật đối với tập thể và cá nhân là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp.

Chủ trì tham mưu đánh giá thi đua các đơn vị trên kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; khen thưởng tập thể và lãnh đạo có thành tích xuất sắc, trừ điểm tập thể có tỉ lệ giải ngân không đạt so với kế hoạch được giao.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức, với vai trò là cơ quan chủ quản của các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, phải chế tài và xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân.

Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý, giải ngân đầu tư công.

Các chủ đầu tư dự án phải phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân; cụ thể hoá trách nhiệm đến từng cá nhân, gắn kết quả giải ngân đầu tư công với đánh giá thi đua, công tác cán bộ; cương quyết phê bình, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc mình quản lý có tỉ lệ giải ngân thấp.

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời nhà thầu vi phạm tiến độ và các điều khoản hợp đồng đã ký kết…

Ngoài ra, chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân đầu tư công; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng; giải quyết các vướng mắc; tiếp tục tinh thần đợt thi đua cao điểm 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm 2024.

Các dự án chuyển tiếp phải nỗ lực giải ngân 100% vốn; các dự án thuận lợi về mặt bằng, điều kiện thi công, cần đẩy nhanh tiến độ để hấp thụ thêm vốn.

Các dự án đã quyết định đầu tư nhưng chưa triển khai được thì chủ động báo cáo, đề xuất giải pháp. Trường hợp cần thiết thì đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh để tình trạng ngâm vốn hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm