TP.HCM thích ứng với già hóa dân số

(PLO)- Thực trạng già hóa dân số tăng nhanh đã kéo theo nhiều vấn đề cấp thiết cho TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Thích ứng già hóa dân số tại TP.HCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi” do Sở Y tế phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức ngày 23-1, nhiều chuyên gia đã nêu thực trạng đáng lo về người cao tuổi ở TP.HCM.

Hệ lụy khi dân số già nhanh

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM Phạm Chánh Trung, từ năm 2017 người cao tuổi tại TP.HCM đã tăng nhanh về số lượng. Tính đến ngày 1-12-2023 số người trên 60 tuổi là hơn 1,338 triệu người, chiếm 12,24% tổng dân số.

Theo các chuyên gia, việc già hóa dân số tăng nhanh đã kéo theo hàng loạt vấn đề cấp thiết cho TP.

TS-BS CKII Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh.

Già hóa dân số tăng nhanh ở TP.HCM
Già hóa dân số tăng nhanh ở TP.HCM. Trong ảnh: Người cao tuổi khám sức khỏe tại đợt triển khai thí điểm khám sức khỏe trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Ảnh: TRẦN MINH

Cũng theo ông Châu, bên cạnh các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp; có đến 16,27% người cao tuổi có dấu hiệu tiền suy yếu, 0,45% có dấu hiệu suy yếu; 28,8% người có nguy cơ té ngã; 6,54% người phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày...

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tính đến hết ngày 9-2-2023, số người trên 60 tuổi là hơn 16,179 triệu người.

(Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an)

Trong khi đó, ThS Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết già hóa dân số đang thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội.

Theo ông Thành, người cao tuổi ở TP.HCM hiện nay có mức lương hưu thấp, một bộ phận vẫn còn phải lao động kiếm sống. Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa đáp ứng nhu cầu.

Xây dựng TP thân thiện với người cao tuổi

TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, cho rằng để chăm sóc người cao tuổi tốt, cần xây dựng những giải pháp về hạ tầng. Cụ thể cần chuyển đổi từ trạng thái người cao tuổi phải sống chung với bệnh tật, lệ thuộc vào điều trị sang được sống trong gia đình, cộng đồng một cách khỏe mạnh, thân thiện.

“Cần kết nối các dịch vụ để chăm sóc liên tục cho người cao tuổi. Trong lĩnh vực y tế, bên cạnh truyền thông nâng cao kiến thức, tư vấn nâng cao sức khỏe cần tầm soát một cách chủ động để những người có nguy cơ kịp thời được chẩn đoán và chữa trị…” - ông Giang đề xuất.

w-P12_nguoi-cao-tuoi_h2.jpg
TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Chủ tịch Hội Y tế công cộng góp ý tại hội nghị. Ảnh: VÕ THƠ

Bà Nguyễn Quang Việt Ngân, khoa Địa lý Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng một trong những giải pháp toàn diện cho vấn đề già hóa dân số chính là hướng tới xây dựng cộng đồng và TP thân thiện với người cao tuổi.

Chẳng hạn, không gian ngoài trời và các tòa nhà, phương tiện giao thông, nhà ở, việc tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng và dịch vụ y tế… không gian có mảng xanh, có chỗ ngồi nghỉ ngơi, nhà vệ sinh dễ tiếp cận và lối đi bộ không có vật cản, đỗ bám tốt, đủ rộng để xe lăn di chuyển…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông để người cao tuổi và người thân của họ có thể tập huấn các kỹ năng chăm sóc, sơ cứu ban đầu để khi họ gặp các vấn đề về sức khỏe có thể xử lý được.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM là một trong những địa phương có mức sống cao, do đó cần có các giải pháp thúc đẩy xã hội hóa việc đầu tư cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nhà dưỡng lão.

Theo ThS Nguyễn Thanh Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 13 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập đang chăm sóc khoảng 884 người cao tuổi và tám cơ sở công lập với hơn 1.700 người cao tuổi có bệnh cần chăm sóc đặc biệt.

25,6% người cao tuổi có nhu cầu sử dụng nhà dưỡng lão

Theo kết quả khảo sát ý kiến của người cao tuổi và thân nhân về việc sử dụng dịch vụ nhà dưỡng lão trên địa bàn TP.HCM của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, có đến 76,8% người cao tuổi biết về nhà dưỡng lão. Trong đó, nhu cầu sử dụng nhà dưỡng lão chỉ 25,6%.

Về hình thức, đa số người cao tuổi mong muốn ở bán thời gian. Mức chi phí có thể chi trả là dưới 5 triệu đồng.

Hiện tại, mức thu nhập trung bình hằng tháng của người cao tuổi dao động 5-10 triệu đồng, đa phần là do trợ cấp từ con cái. Tuy nhiên, trong đó có khoảng 10% người cao tuổi còn đang mưu sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm