Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa trình UBND TP tờ trình về bộ tiêu chí TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo tờ trình này, có 25 tiêu chí được khái quát trong sáu nhóm nội dung chính.
Ở nhóm chính trị và quản lý nhà nước, viện nghiên cứu đưa vào năm tiêu chí: Xây dựng chính quyền kiến tạo; cải cách hành chính; đảm bảo cuộc sống an toàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể và hiệp hội; nâng hiệu quả quan hệ hợp tác hữu nghị.
Một góc quận trung tâm TP.HCM, trước cổng UBND TP.
Nhóm kinh tế gồm năm tiêu chí: Tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng bền vững; xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại; phát huy nguồn lực đầu tư từ phía người dân; hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo; tạo nhiều việc làm có chất lượng.
Nhóm văn hóa và xã hội có năm tiêu chí: Xây dựng lối sống văn minh đô thị; tạo lập nhiều không gian văn hóa; giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; phát triển thông tin và truyền thông hướng đến đô thị thông minh; phát triển thể dục thể thao.
Nhóm y tế và giáo dục có bốn tiêu chí: Xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe người dân; hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhóm đô thị và môi trường có ba tiêu chí: Quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ tốt môi trường.
Nhóm nghĩa tình gồm ba tiêu chí: Thực hiện tốt các chính sách xã hội; hoạt động tương thân, tương trợ; tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp, nhân hậu, dễ mến của người dân TP.HCM.
Theo viện nghiên cứu, việc xây dựng TP.HCM thành một TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là mục tiêu, mong muốn của lãnh đạo và nhân dân TP trong tiến trình xây dựng TP phát triển.
Bộ tiêu chí thể hiện tính hội nhập và phát triển, nhấn mạnh quan điểm phát triển vì cộng đồng, tạo sự đồng thuận để nhân dân cùng chính quyền chung sức thực hiện nhiệm vụ phát triển TP. “Trong đó, nội hàm TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại có thể so sánh với TP sống tốt của các đô thị trên thế giới, còn nội dung nghĩa tình là nét đặc trưng riêng của TP.HCM, mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng” - viện nghiên cứu lý giải.
Cũng theo viện nghiên cứu, chữ “nghĩa tình” thể hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội của TP. Đồng thời còn thể hiện qua các hoạt động như giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, rủi ro; tinh thần nghĩa hiệp, luôn sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn của người dân TP.
"Tinh thần nghĩa hiệp của người dân sẽ được phát huy mọi lúc, mọi nơi. Điều này xuất phát từ đặc trưng tính cách thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn, mang đậm tính nhân văn, sắc thái và cốt cách của con người TP.HCM - một TP ở Nam bộ" - viện nghiên cứu đánh giá.
Bộ tiêu chí được UBND TP.HCM giao cho viện nghiên cứu phát triển soạn thảo từ năm 2008 trong bối cảnh nhiều nước, TP trên thế giới xây dựng tầm nhìn phát triển đô thị chiến lược. Hiện có nhiều lý thuyết phát triển đô thị như TP sống tốt, có sức chống chịu và phục hồi, TP toàn cầu, TP phát triển bền vững, TP thông minh, TP sức khỏe...
Bộ tiêu chí là một hệ thống để đo lường, cụ thể hóa các mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền TP.HCM cũng như đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đây chỉ mới là phần cứng, các nội dung trong đó sẽ tiếp tục được đánh giá, bổ sung để hoàn thiện.
Người dân ủng hộ tiêu chí “nghĩa tình” Trao đổi với chúng tôi về tiêu chí “nghĩa tình”, anh Nguyễn Mai Huân, đại diện của tổ chức xã hội Quỹ Cầu Vồng, cho biết: Từ lâu người Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng luôn rất hào sảng, tình nghĩa và thân thiện. Họ luôn mở lòng để giúp đỡ những trường hợp khó khăn, xây dựng nhà tình thương, mở lớp học tình thương. Ở góc độ của một tổ chức xã hội, chúng tôi mong muốn TP tạo điều kiện để các tổ chức từ thiện có quy mô vừa và lớn có giấy phép hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Phúc (55 tuổi, ngụ quận 9), TP cần tạo thêm điều kiện để tinh thần “lá lành đùm lá rách” của mọi người càng được nhân rộng. Sự lan tỏa đó càng rộng rãi thì người người sẽ luôn thương nhau, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thanh Phụng (phường An Phú, quận 2) cho rằng lâu nay ở phường vẫn có bếp cơm dành cho người nghèo nên đỡ được nhiều chi phí lắm. Người nghèo thấy mình được quan tâm… |