UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54.
Chưa có sự đột phá về hạ tầng
Theo UBND TP, sau năm năm thực hiện Nghị quyết 54 mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương khá khiêm tốn. Cùng với đó, đà tăng trưởng của TP.HCM đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút; chưa thể hiện vai trò dẫn dắt phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. UBND TP.HCM nhìn nhận sau khi thực hiện Nghị quyết 54, chính quyền đô thị… TP đã xác định được các cơ chế, chính sách cần được thể chế hóa, cũng như nhìn nhận thấy một số bất cập phát sinh cần được điều chỉnh.
Từ đó, UBND TP đã kiến nghị đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 gồm bảy nhóm vấn đề.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về xây dựng nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Đề nghị giữ nguyên tỉ lệ điều tiết 21% đến hết năm 2025
Về quản lý đầu tư,hiện nay quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế giao đất, cho thuê đất, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ rất đặc thù về quỹ đất… vướng rất nhiều quy định và đang là "điểm nghẽn" trong thu hút vốn đầu tư; thu hút PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao.
Trong khi đó, TP.HCM lại đang muốn xã hội hóa đầu tư. Nếu được tháo gỡ sẽ huy động thêm được nguồn lực và tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư tư nhân, giúp cho TP phát triển.
Về tài chính ngân sách, về cơ bản TP đề nghị giữ lại các nội dung của Nghị quyết 54, ngoài quy định về thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường vì không khả thi.
Bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên (trừ bất động sản duy nhất). Mục đích là nhằm thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau; tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay.
TP cũng kiến nghị bổ sung nội dung xử lý những bất cập trong điều hành ngân sách cấp quận, nhất là những quận có số dân trên nửa triệu người; mở rộng giới hạn 90% các khoản vay của địa phương so với số thu ngân sách địa phương được hưởng theo nghị quyết 54 lên mức 120%.
Bên cạnh đó, hiện TP được hưởng ngân sách theo tỉ lệ điều tiết là 21%. Đề nghị giữ nguyên tỉ lệ này đến hết năm 2025. TP cũng kiến nghị củng cố chức năng, vai trò và cơ chế hoạt động của Công ty tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC).
Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, phân cấp cho TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị với điều kiện không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể.
Phân cấp cho TP được quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch... hiện đang gặp vướng về quy định.
Phân cấp hoàn toàn cho TP xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. TP được thí điểm bồi thường "bằng đất theo tỉ lệ" khi giải phóng mặt bằng...
Cho phép TP được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỉ lệ khi giải phóng mặt bằng; được thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B nhằm sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư công, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”, đội vốn do thiếu mặt bằng thi công.
Về quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội, phân cấp cho TP quy định các điều kiện thành lập, xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao trong các dự án phát triển đô thị.
Mở rộng thẩm quyền "lập quy" của HĐND TP trong lĩnh vực xử phạt các loại vi phạm hành chính về hành vi và mức phạt phù hợp với tính phức tạp của đô thị lớn mà chưa có quy định hoặc quy định chưa đủ sức răn đe…
Về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiếp tục thực hiện quy định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại Nghị quyết 54.
Đồng thời, bổ sung phân cấp cho HĐND TP quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn…
Bổ sung nội dung phân cấp cho TP tổ chức lại, giải thể, thành lập các đơn vị sự nghiệp công...
Về cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM,TP nhận thấy cần đưa vào hai nội dung. Cụ thể là áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và đổi mới sáng tạo; chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào thị trường tài chính mang tính vượt trội về ưu đãi để tạo dòng đầu tư.
VềTP Thủ Đức, UBND TP.HCM cho biết hiện nay TP Thủ Đức cơ bản như đơn vị hành chính cấp quận. Do đó, TP.HCM kiến nghị cho phép HĐND, UBND TP phân cấp cho chính quyền TP Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở số lĩnh vực quản lý nhà nước; chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở ngành TP cho TP Thủ Đức.
Cho phép HĐND TP quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của TP Thủ Đức. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.
Quan điểm của TP về xây dựng nghị quyết mới là các cơ chế, chính sách này không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác mà chủ yếu làm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Đồng thời, xây dựng cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư; không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương về TP mà xây dựng cơ chế, tạo nguồn thu để tăng chi, nhất là cho đầu tư.