Đổi mới Nghị quyết 54: Làm gì để TP.HCM đột phá?

(PLO)- Gỡ vướng thủ tục cho các dự án, thoát khỏi cơ chế “xin - cho”, có cơ chế thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, người tài và người dân là những yêu cầu quan trọng cho TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đang khẩn trương tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) sau năm năm thực hiện. Các nhà khoa học, chuyên gia, hiệp hội nghề nghiệp, thông qua nhiều diễn đàn khác nhau, cũng đang góp ý vào dự thảo Đề án xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54).

TP.HCM đang triển khai các đề án, hoạt động liên quan đến kinh tế số với mong muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế và nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 chắc chắn không thể bỏ qua những vấn đề này. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

TP.HCM đang triển khai các đề án, hoạt động liên quan đến kinh tế số với mong muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế và nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 chắc chắn không thể bỏ qua những vấn đề này. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Thoát khỏi cơ chế nặng tính “xin - cho”

Nói về việc giải quyết những vướng mắc trong Nghị quyết 54 bằng một nghị quyết mới, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du chia sẻ: “Để phát triển, TP.HCM cần thu hút và giữ chân các doanh nghiệp (DN), người tài và những hộ gia đình khá giả. Không có dấu hiệu cho thấy tác động của Nghị quyết 54 vào việc thu hút ba nhóm đối tượng này, dù họ bị dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều cần làm là thu hút được các DN vào đầu tư, thu hút được lực lượng lao động có kỹ năng, trong đó phải có một số lượng đáng kể những người giỏi và rất giỏi. Năng lực cạnh tranh và môi trường sống của TP đã không có sự cải thiện so với các đối thủ cạnh tranh khác trong năm năm qua, tức suốt thời gian thực hiện Nghị quyết 54”.

Nói về một vài vấn đề cụ thể, theo ông Du, Nghị quyết 54 là để TP có thể tạo động lực cho cán bộ, công chức làm việc và huy động thêm các nguồn lực, nhất là ngân sách. Về đội ngũ, TP vẫn đang loay hoay với bài toán biên chế, trong bối cảnh cán bộ, công chức rất khó yên tâm làm việc do những vấn đề xảy ra ở TP trong thời gian qua. Thêm vào đó, việc nhân sự ngành y tế nghỉ việc hàng loạt sau dịch bệnh cho thấy những bất cập trong chính sách.

“Các cơ chế huy động thêm nguồn ngân sách, khơi thông nguồn lực đạt được các kết quả rất khiêm tốn. Điều này được thể hiện qua số diện tích đất được chuyển đổi, số dự án được triển khai và các cơ chế huy động nguồn lực mới được thực hiện. Những vấn đề nêu trên cho thấy những điểm nghẽn cơ bản vẫn chưa được khơi thông” - ông Du nhận xét.

Ông Du cho rằng các đề xuất vẫn loay hoay với những vấn đề mang tính kỹ thuật theo cách tiếp cận “xin - cho” và cơi nới chứ chưa mang tầm chiến lược, xem TP.HCM là một động lực then chốt cho sự phát triển của Việt Nam. “Tôi hiểu đây là thực tế ở Việt Nam và TP chọn cách thức thực tế nhất. Tuy nhiên, khi chọn như vậy thì khả năng có những thay đổi đáng kể là rất khó” - ông Du nhấn mạnh.

“Để phát triển, TP.HCM cần thu hút và giữ chân các DN, người tài và những hộ gia đình khá giả.”

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du

Tăng nguồn lực cho kinh tế số

Một điểm đáng chú ý hiện nay đó là TP.HCM đang triển khai các đề án, hoạt động liên quan đến kinh tế số và mong muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 chắc chắn không thể bỏ qua những vấn đề này. GS-TS Nguyễn Thị Cành, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng định hướng trên phù hợp với vai trò của đô thị đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Theo bà Cành, muốn đi đầu về kinh tế số, muốn có trung tâm tài chính của cả nước và khu vực thì TP cần rất nhiều nguồn lực (tài chính, con người), điều mà TP đang khó khăn. Cần có cơ chế để TP kêu gọi nguồn lực xã hội hóa và các nguồn khác nhau để đầu tư phát triển. Ngoài ra, TP phải tạo môi trường cho nhà đầu tư đến, thu hút đầu tư tư nhân và quốc tế.

Cạnh đó, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cần có cơ chế hỗ trợ TP về vấn đề mở rộng dư nợ cho vay để có nguồn lực đầu tư. Trước đây, trung ương có cơ chế cho TP được vay dư nợ đến 90% thu ngân sách hằng năm. Nếu ngân sách TP không đủ thì vay từ các tổ chức quốc tế hoặc phát hành trái phiếu… Như vậy, nếu TP vừa được tăng ngân sách giữ lại vừa được tăng dư nợ vay thì nguồn vốn đầu tư sẽ dồi dào hơn, đảm bảo nhu cầu trong tình hình mới.

Đặc thù không chỉ có lợi cho TP.HCM

Cần làm rõ việc đề xuất nghị quyết mới (thay thế Nghị quyết 54) không chỉ áp dụng cho TP.HCM mà cũng chính là thí điểm cho các tỉnh, TP lớn, quy mô tương tự của cả nước (Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…). Nội dung dự thảo nghị quyết mới cần cân nhắc bổ sung cơ chế đặc thù về khoa học và công nghệ của TP.HCM và đặt hàng ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện; bổ sung thí điểm cơ chế đặc thù về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; bổ sung cơ chế giải quyết các điểm nghẽn hiện tại của TP, điển hình như dự án rạch Xuyên Tâm, hợp tác bằng hình thức đối tác công tư (PPP) trong giáo dục

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH (ĐH Kinh tế - Luật) phát biểu tại tọa đàm về Nghị quyết 54 tại ĐH Quốc gia TP.HCM

Gỡ vướng thủ tục, gỡ nút thắt các đề án của TP

Khi rà soát, kiểm đếm từng bài học từ thực thi Nghị quyết 54 sẽ dễ thấy sự đồng thuận: Nghị quyết 54 tạo cho TP một số đặc quyền nhất định nhưng chưa có tính đột phá. Theo giới chuyên gia, TP còn rất nhiều vướng mắc: Phát triển hạ tầng giao thông, công trình công cộng còn kém; giải quyết vấn đề nhà ở ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở xã hội còn ì ạch...

GS-TS Nguyễn Thị Cành cho rằng muốn giải quyết các vướng mắc nói trên, TP cần sự đồng tình từ Quốc hội, Chính phủ. Theo bà Cành, TP không có nhiều đề xuất thay đổi về Nghị quyết 54 trong nghị quyết mới mà chỉ tập trung giải pháp gỡ vướng những thủ tục cho các đề án, dự án của TP còn kéo dài lâu nay. Nhiều nội dung của Nghị quyết 54 khi triển khai cần có ý kiến của các bộ, ngành trung ương với quy trình còn phức tạp, thậm chí các hướng dẫn, ý kiến thường không thống nhất.

Liên quan đến định hướng phát triển các đề án trung tâm tài chính quốc tế, kinh tế số, TS Huỳnh Thế Du cho rằng việc TP lựa chọn một vài vấn đề hay lĩnh vực cụ thể để tập trung là cách làm thực tế và phù hợp. Đây cũng là cách làm của TP từ khi đổi mới đến nay. Tuy nhiên, muốn có kết quả như kỳ vọng thì đừng chỉ tập trung vào những vấn đề có tính kỹ thuật, mà phải nâng cao khả năng cạnh tranh và môi trường sống cho DN, người có năng lực… “Do các vấn đề liên quan đến nhau nên tiếp cận các vấn đề cụ thể cần phải theo cách tập trung vào các “huyệt đạo chính” nhằm tạo ra sự chuyển biến cho cả hệ thống, chứ đừng tiếp cận kiểu “ốc đảo” vì sẽ khó thành công” - ông Du kết luận.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm