TP.HCM từng bước thay thế cầu sắt cũ, lâu năm

(PLO)- TP.HCM với đặc trưng là TP sông nước, vẫn còn tồn tại trên địa bàn là nhiều cầu sắt cũ, lâu năm như cầu Tân Thuận 1, cầu Rạch Cát và Rạch Cát 2, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm... 

Trước thực trạng tồn tại nhiều cầu sắt cũ trên địa bàn TP, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc từng bước xóa bỏ, thay thế những cầu sắt cũ, cầu lâu năm, đồng thời triển khai nhiều dự án xây mới cầu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường khả năng kết nối giao thông.

Những cây cầu lão niên ở TP.HCM

Trước đó, sau sự cố sập cầu Phong Châu (Tỉnh lộ 32C, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu UBND các quận huyện và TP Thủ Đức, các đơn vị thuộc sở và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn TP. Trong đó, sở này đề nghị các đơn vị lưu ý những cầu sắt cũ, cầu lâu năm như cầu Tân Thuận 1.

Tọa lạc ở phía Nam TP.HCM là cầu Tân Thuận 1 được xây dựng từ năm 1905. Đến nay, cầu đã có tuổi đời gần 120 năm, là một trong những cây cầu lâu đời nhất TP còn được sử dụng.

Cầu Tân Thuận 1 có tuổi đời gần 120 năm.
Cầu kết nối quận 4 và quận 7.

Trải qua hơn một thế kỉ nối hai bờ kênh Tẻ, cầu Tân Thuận 1 đã bộc lộ dấu hiệu "già nua" khi có hạng mục rỉ sét, mặt cầu đọng nước. Bên thành cầu, dây điện, dây cáp ngổn ngang, chằng chịt như mạng nhện. Nằm song song với cầu Tân Thuận 1 là cầu Tân Thuận 2 được đưa vào sử dụng từ năm 2005.

Hệ thống dây điện chằng chịt.
Nhiều bộ phận cầu hoen rỉ.
Cầu sắt đã rỉ sét

Còn ở phía Tây Nam TP.HCM, quận 8 với địa hình sông nước, kênh rạch khá dày đặc, nhiều cây cầu sắt ra đời để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đơn cử như cầu Rạch Cát và Rạch Cát 2.

Người dân quận 8 vẫn phải lụy đò.

Dọc theo kênh Lò Gốm, khu vực cuối đường Mễ Cốc và Phú Định, cầu Rạch Cát được xây dựng trước năm 1975, mỗi ngày phải gánh một lượng phương tiện lưu thông rất lớn.

Cầu Rạch Cát 2 được đưa vào sử dụng năm 2014.

Còn cầu Rạch Cát 2 được xây dựng năm 2014, có bề rộng lớn hơn, có lối đi dành cho người đi bộ. Cầu được xây dựng để giảm bớt áp lực cho cầu sắt cũ Rạch Cát.

Cầu sắt cũ Rạch Cát đã hơn 50 năm tuổi.

"Quá trình khai thác lâu năm đã khiến cầu rung lắc, phát ra tiếng kêu lớn. Mặt cầu làm bằng sắt thép nhưng đã mòn theo thời gian, không còn độ bám dính, xe chạy qua gặp nắng thì không sao còn nếu gặp mưa thì dễ trơn trượt" - ông Nguyễn Văn Tâm, người dân sống trên đường Mễ Cốc nói.

Cầu Rạch Cát 2 rung lắc khi có xe lưu thông.

Ở phía Đông Nam TP.HCM, trên trục đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi - hai cây cầu sắt cũ xây dựng trước năm 1975 cũng đã "già đi" vì 50 năm qua phải oằn mình gánh lượng lớn phương tiện.

Từng bước xóa bỏ cầu sắt cũ, xây cầu mới

Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cầu mới để xóa các cầu sắt cũ, cầu sắt lâu năm, không đảm bảo an toàn giao thông.

Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết đường Lê Văn Lương có 4 cây cầu trọng yếu gồm Long Kiểng, Rạch Đỉa, Rạch Dơi, Rạch Tôm. Hiện nay, TP đã đưa vào sử dụng cầu Phước Kiểng. Cầu Rạch Đỉa sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, giúp đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho người dân địa phương.

Dự án cầu Rạch Tôm hiện đang triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cầu Rạch Dơi đang điều chỉnh vị trí, phương án tuyến và đã được đề xuất cập nhật vào quy hoạch chung TP để kết nối với tỉnh Long An.

Cầu Rạch Dơi và Rạch Tôm đang được lên kế hoạch triển khai.

Những cây cầu này hình thành trục đường kết nối trực tiếp với tỉnh Long An nên việc sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông vô cùng cấp thiết. Huyện Nhà Bè sẽ nỗ lực giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án kể trên.

Sở GTVT TP.HCM cho biết sở đã đề xuất đưa những dự án xây mới cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi vào kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2030. Đối với cầu Rạch Tôm, Sở GTVT đề xuất dự án trong giai đoạn 2024-2025 với khoảng 260 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành, thông xe vào cuối năm 2026.

Tương tự, cầu Rạch Dơi cũng sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 265 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Những cây cầu lão niên như cầu Tân Thuận 1 và Tân Thuận 2 hiện nay cũng đang được Sở GTVT TP và địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát định kỳ.

Sở GTVT đang triển khai nhiều dự án "chia lửa" cho cầu Tân Thuận 1 và 2.

Theo Sở GTVT, từ nay tới 2030, sở sẽ ưu tiên làm các cây cầu mới như cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4... để chia lửa" cho cầu Tân Thuận 1, 2. Sau khi những cây cầu này đi vào hoạt động sẽ tổ chức phân luồng giao thông, góp phần giảm tải cho hai cây cầu hiện hữu. Lúc này, lượng phương tiện qua cầu Tân Thuận 1, cầu Tân Thuận 2, trục đường Nguyễn Tất Thành sẽ giảm, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực phía Nam TP.

Cầu Rạch Cát sẽ được thay thế bằng cầu mới.

Đối với dự án thay thế cầu sắt cũ Rạch Cát, hiện đã được Sở GTVT phê duyệt dự án, UBND quận 8 đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo nhiệm vụ được UBND TP giao để làm cơ sở triển khai. Dự kiến cầu sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2028 đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân trong khu vực.

Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết thời gian qua Ban Giao thông và các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cầu mới, xóa bỏ các cầu sắt cũ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đơn cử như cầu Long Kiểng và Phước Lộc (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ) và cầu Nam Lý (TP Thủ Đức); sắp tới là cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa, cầu Tân Kỳ - Tân Quý, cầu Bà Hom...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới