TP.HCM: VKS không phê chuẩn án không có chứng cứ buộc tội

Tỉ lệ được chấp nhận đối với kháng nghị phúc thẩm án hình sự là hơn 76%, án dân sự hơn 88%, án hành chính 80%; riêng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 100%. Tất cả đều vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.

Phó Viện trưởng VKSND TP Đoàn Tạ Cửu Long đề nghị ngành cố gắng duy trì đến cuối năm những ưu điểm này. “Để thực hiện tốt điều này thì yêu cầu đối với những vụ án nếu không có chứng cứ vật chất, chỉ có những tài liệu tố tụng mà lại có quá nhiều vi phạm thì cương quyết không phê chuẩn bởi đã phê chuẩn rồi thì không còn đường lui. Đề nghị các VKS rà soát lại và đặc biệt chú ý đến các vụ án đã trả hồ sơ nhiều lần” - ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng chỉ ra một số vướng mắc trong việc giải quyết án liên quan đến người nước ngoài như người bị hại đã về nước nên không lấy lời khai được sau khi khởi tố, tài sản đã được trả cho người bị hại nên không giám định thiệt hại, người phiên dịch không có chức danh pháp lý…

Phó Viện trưởng VKSND TP Dương Ngọc Hải cho biết theo quy định, khi công an tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm thì phải vào sổ, xác minh, phân công phó thủ trưởng cơ quan CSĐT và điều tra viên ngay nhưng nhiều trường hợp không vào sổ, để vài tháng sau thì khởi tố rồi chuyển VKS. “Như vậy là đã vô hiệu hóa hoạt động kiểm sát. Do đó VKS phải tăng cường kiểm sát hằng ngày, hằng tuần thì mới giải quyết kịp thời, đảm bảo chủ trương gắn công tố với hoạt động điều tra” - ông Hải yêu cầu. Cạnh đó, ông Hải cũng cho biết nhiều vụ khởi tố vụ án (chưa khởi tố bị can) nhưng CQĐT không chuyển ngay sang VKS hay CQĐT ra quyết định phân công cán bộ cũng không chuyển ngay sang VKS, để vài tháng sau mới chuyển.

Ngành kiểm sát không đồng ý giám định hàm lượng ma túy

Theo Phó Viện trưởng VKSND TP Dương Ngọc Hải, tội phạm về tham nhũng giảm trên cả nước, riêng TP.HCM giảm trên 50%. Tuy nhiên, công tác điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh được hết thực trạng. Hành vi tham nhũng còn nhiều nhưng chưa khám phá hết, do đó VKS cần tăng cường phối hợp với CQĐT để phá án.

Một vấn đề đáng chú ý: Một nửa số vụ tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung là để giám định hàm lượng ma túy, thậm chí có vụ trả đến bốn lần, dẫn đến tạm giam bị can quá hạn. Hiện việc xử lý án ma túy đang vướng do Công văn 234 ngày 17-9-2014 của TAND Tối cao (hướng dẫn phải giám định hàm lượng ma túy), ảnh hưởng đến tâm lý các cơ quan tố tụng trong việc khởi tố. Do đó án ma túy giảm nhưng sẽ có nguy cơ tăng tội phạm ở các loại án khác vì đối tượng này ở ngoài xã hội sẽ có khả năng thực hiện tội phạm khác.

“Với tinh thần không chùn tay với tội phạm ma túy, viện trưởng VKSND Tối cao đã có chỉ đạo rằng Công văn 234 không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chỉ áp dụng theo BLHS và BLTTHS (BLHS quy định xử lý theo trọng lượng chứ không nói hàm lượng). Riêng những vụ án ma túy nhỏ lẻ, cần phân định giữa xử phạt hành chính hay xử lý hình sự thì phải họp liên ngành, VKS chỉ phê chuẩn khi tòa cho rằng đủ cơ sở” - ông Hải cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới