Ngày 6/6, tòa án Trung Quốc đã tuyên án tử hình đối với 5 người Tân Cương vì các “hành động khủng bố” tại khu vực này. Hai người khác cũng bị tuyên án tử hình nhưng được miễn thi hành án 2 năm, đồng nghĩa với việc bản án sẽ được xem xét lại sau thời kỳ này.
Đây là những bị cáo trong số 81 người bị xét xử với các mức án khác nhau, từ tử hình, chung thân tới tù dài hạn tại 6 tòa án khác nhau tại Tân Cương.
9 bị cáo bị tuyên án tử hình vì có "hành vi khủng bố" (Ảnh minh họa)
Trong số này, có 68 người bị cáo buộc tổ chức, chỉ đạo hoặc tham gia vào các tổ chức khủng bố, cố ý giết người, phóng hỏa hoặc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất nổ.
Các tòa án này cũng kết tội 13 người khác với tội danh kích động thù hằn dân tộc và phân biệt đối xử hoặc huấn luyện các biện pháp phạm tội.
Các phiên tòa này là kết quả của một đợt tấn công truy quét những đối tượng “khủng bố” sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Tân Cương hồi tháng Năm khiến hàng chục người chết và bị thương.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng thủ phạm gây ra những vụ tấn công này là các phần tử tôn giáo cực đoan và ly khai tại Tân Cương. Nhà cầm quyền Trung Quốc tại Tân Cương cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ có sự phân biệt đối xử giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa với người Hán di cư từ nơi khác tới.
An ninh Trung Quốc hiện diện dày đặc ở Tân Cương
Tuy nhiên, ông Arkin Tuniyazi, Phó Chủ tịch chính quyền Tân Cương thừa nhận là họ đã tìm cách cấm phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ ở đây sử dụng mạng che mặt theo phong tục Hồi giáo, và họ coi những người dùng mạng che mặt là biểu hiện của việc bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Tân Cương trước đây vốn là miền đất sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ bản địa. Người Hán bắt đầu di cư ồ ạt vào Tân Cương sau khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “phát triển miền Tây” và xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng cùng hệ thống đường ray tàu hỏa tới Tân Cương và Tây Tạng. Thế nhưng người Duy Ngô Nhĩ bản địa cho rằng chỉ có người Hán di cư được lợi từ các chính sách này.
Ông Ahmed A.S. Hashim, một chuyên gia nghiên cứu về khủng bố tại Đại học Kỹ thuật Nanyang của Singapore cho biết: “Người Duy Ngô Nhĩ ngày càng bức xúc khi họ nhận ra rằng bản sắc của mình trên chính quê hương bản quán đang ngày càng mất dần đi. Những lời hứa mà người Trung Quốc đưa ra về phát triển kinh tế và việc làm có vẻ như không trở thành hiện thực.”