Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ cựu Thượng úy tham ô tài sản

Ngày 14-5, Tòa án Quân sự Quân khu 5 mở phiên tòa xét xử Dương Công Tư (SN 1979, trú TP Pleiku, Gia Lai), cựu Thượng úy, cựu Trợ lý Kế hoạch, Phòng Kế hoạch- Kinh doanh của Công ty TNHH MTV Bình Dương- Tổng Công ty 15, Bộ Quốc phòng, về tội tham ô tài sản. 

Sau phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì nhiều chứng cứ không thể làm rõ ngay tại tòa.

Bị cáo tại tòa.

Trước đó, ngày 27-12-2016, Tư và Trần Văn Khanh (cựu Đại tá, Giám đốc Công ty Bình Dương) bị Tòa Quân sự Quân khu 5 xét xử về tội danh hủy hoại rừng. Trong vụ án này, Tư bị phạt án 3 năm tù (đã chấp hành xong) còn Khanh bị phạt 6 năm tù.

Tại phiên tòa 14-5, Khanh có mặt với tư cách người làm chứng khi được cho là người trực tiếp ký các hồ sơ khống để Tư tham ô. 

Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, từ năm 2010 đến 2012, Công ty Bình Dương được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển cao su tại hai xã Ia Me và Ia Púch (huyện Chư Prông).

Quá trình thực hiện, Khanh đã triển khai lập Ban chỉ đạo đền bù nương rẫy và phối hợp với UBND hai xã nói trên thỏa thuận, thống nhất mức giá hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch.

Khanh giao cho Tư trực tiếp thực hiện tất cả các công việc liên quan đến đền bù như lập danh sách hộ dân, số liệu diện tích nương rẫy, hoa màu, trực tiếp tạm ứng tiền chi trả cho dân và hoàn tất hồ sơ thủ tục, chứng từ thanh toán.

Hàng năm, sau khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Gia Lai, Tư trực tiếp xuống những nơi có diện tích đất nương rẫy của dân (chủ yếu là đồng bào Jarai) để xác định diện tích đất rẫy tự khai hoang, cây điền, bụi chuối và số lượng chòi trên rẫy.

Ngoài ra, Tư cũng phối hợp với Hoàng Thanh Hải, Ngô Minh Quang (Đội trưởng đội sản xuất cao su) ở địa bàn có nương rẫy thuộc diện đền bù nắm và cung cấp số liệu về danh sách hộ dân, diện tích nương rẫy để áp giá đền bù, lập biên bản phân loại nương rẫy và thống nhất thỏa thuận tiền đền bù cho các hộ dân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài những hộ có tên trong danh sách được xác định trên thực tế, Tư đã lập khống danh sách nhiều hộ dân để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Tư còn lập khống diện tích đất tự khai hoang, cây điều, bụi chuối, di dời chòi... để chiếm đoạt tiền.

Tư đã nhờ đồng bào dân tộc thiểu số biết chữ ký vào những chứng từ lập khống ở mục đại diện hộ gia đình, Tư ký vào mục tổ công tác đền bù rồi trình để Nguyễn Duy Hòa, Bùi Đức Toản (hai Kế toán trưởng) và Khanh ký.

Sau đó, Tư nhờ chủ tịch hai xã Ia Me và Ia Púch ký xác nhận vào mục đại diện xã để hoàn tất thủ tục hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán. Tổng số tiền được duyệt thanh toán giai đoạn 2010-2012 là hơn 2 tỉ đồng, trong đó phần quyết toán khống đã chiếm đoạt là gần 1,5  tỉ đồng.

Tại tòa, Tư thừa nhận nội dung cáo trạng của VKS nhưng cho rằng bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của Khanh. Đặc biệt, Tư cung cấp tài liệu và cho rằng Khanh nhiều lần yêu cầu bị cáo chuyển số tiền được cho là làm khống cho con gái Khanh và các đội thi công xây dựng nhà cho Khanh với tổng số tiền 538 triệu đồng. Do đó, bị cáo đề nghị làm rõ số tiền này có phải là số tiền bị cáo chiếm đoạt của công ty trong vụ án hay không.

Ngoài ra, bị cáo cũng yêu cầu điều tra xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi của Khanh, Nguyễn Duy Hòa, Bùi Đức Toản và Hoàng Thanh Hải trong vụ án.

Xuất hiện tình tiết mới nên đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Giám đốc và trợ lý bị truy tố vì phá hàng trăm hecta rừng
(PLO)- Hai người này đã chỉ đạo triệt hạ hàng ngàn hecta rừng ngoài vùng dự án dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm hủy hoại gần 10 ha rừng phòng hộ và gần 580 ha rừng sản xuất, gây thiệt hại tổng cộng hơn 18 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới