Mới đây, Tòa án Quân sự Quân khu 5 tại Đà Nẵng đã tuyên phạt Trần Văn Khanh sáu năm tù, Dương Công Tư ba năm tù, cùng về tội hủy hoại rừng. Sau khi bị kết án, hai bị cáo đã không có kháng cáo nên bản án sơ thẩm có hiệu lực.
Theo hồ sơ, thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai việc này. Theo đó, UBND tỉnh đã có quyết định về việc chuyển đất lâm nghiệp sang trồng cao su và giao cho Công ty TNHH MTV Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 (trụ sở xã Ia Tôr, huyện Chư Pông, Gia Lai) thuê đất để thực hiện ba dự án phát triển cây cao su.
Trong quá trình thực hiện các dự án này, bị cáo Trần Văn Khanh nguyên là đại tá, giám đốc Công ty Bình Dương, đã trực tiếp chỉ đạo các chủ thầu khai hoang. Khanh còn cùng Dương Công Tư (lúc đó là thượng úy, trợ lý phòng kế hoạch kinh doanh của công ty) chỉ đạo khai hoang diện tích rừng ra ngoài vùng dự án được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê. Thậm chí khi chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh nhưng khoảng tháng 3-2010, Khanh đã chỉ đạo Tư và doanh nghiệp khẩn trương khai hoang trước để lấy đất trống.
Hai bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: LQL
Khanh chỉ đạo phải tận dụng triệt để các vị trí giáp ranh với dự án, nơi nào đất bằng phẳng, thuận lợi cho trồng cao su thì ủi hết để lấy thêm diện tích, cho liền lô liền thửa. Dù biết làm vậy là trái quy định nhưng với tư cách là cấp dưới Tư vẫn thực hiện theo. Hai bị cáo thường trực tiếp đi kiểm tra, khi phát hiện vị trí thuận tiện cho việc khai hoang, mở rộng diện tích thì chỉ đạo cho khai hoang ủi ép ra ngoài theo kiểu lấn dần.
Mỗi khi đi kiểm tra thấy đất trống Khanh thường nói: “Nơi này đất đẹp, sao không cho vào dự án?”. Tư nói đơn vị tư vấn bóc tách, không đưa vào dự án nên không được UBND tỉnh cho thuê. Nghe vậy Khanh vẫn chỉ đạo cứ cho ủi tiếp để sau này bị cáo sẽ xin tỉnh bổ sung sau. Việc giao mốc giới khai hoang cũng không được lập biên bản, mà Khanh thường dùng tay chỉ để cho đơn vị thi công làm. Đồng thời Khanh giao cho Tư sử dụng bản đồ và thiết bị định vị GPS dẫn các doanh nghiệp đi từng vị trí để giao mốc. Sau đó đơn vị khai hoang đưa máy ủi đến cắt ranh giới hoặc dùng sơn đánh lại dấu mốc theo sự chỉ đạo của Khanh và Tư.
Trong năm 2011, tại tiểu khu 935, 936, Khanh và Tư đã chỉ cho hai đơn vị khai hoang ủi ra ngoài diện tích dự án. Hành vi này bị Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch phát hiện và lập biên bản yêu cầu Công ty Bình Dương phải dừng ngay việc dọn rừng. Tuy nhiên, sau đó Khanh vẫn chỉ đạo đơn vị dọn và trồng cao su trên phần diện tích đã bị lập biên bản vi phạm...
Cáo trạng xác định tại ba dự án đầu tư phát triển cao su, diện tích rừng do Khanh và Tư chỉ đạo các đơn vị khai hoang ra ngoài ranh giới được UBND tỉnh Gia Lai cho phép là gần 600 ha rừng. Thiệt hại mà hai bị cáo gây ra tổng cộng gần 19 tỉ đồng.