Trả phí chia sẻ thông tin báo chí-Bài 1: Dai dẳng cuộc chiến với Google, Facebook

(PLO)- Google và Facebook được cho đang hưởng lợi khi sử dụng nội dung từ các cơ quan báo chí, và nhiều nước đang nỗ lực thúc giục hai ông lớn công nghệ này chia sẻ nguồn lợi nhuận cho phía báo chí.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm gần đây, trên khắp thế giới, nhiều cơ quan báo chí phải đối mặt với khủng hoảng khi doanh thu quảng cáo giảm mạnh, trong khi Google và Facebook sử dụng nhiều nội dung từ báo chí để thu hút người dùng và thu được tiền quảng cáo mà không phải trả phí cho các cơ quan này.

Thực tế trên khiến nhiều quốc gia vào cuộc tìm cách thúc giục hai ông lớn công nghệ này chia sẻ một phần doanh thu cho các cơ quan báo chí để bảo vệ ngành báo chí.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc vệt bài về cuộc chiến giữa các nước và các nền tảng công nghệ để buộc các nền tảng công nghệ phải trả phí chia sẻ thông tin báo chí từ các cơ quan báo chí. Bài 1 sẽ đề cập tổng quan sự việc, quan điểm của các nước, và quan điểm của các nền tảng công nghệ lớn như Google, Facebook.

Các nước nỗ lực đòi quyền lợi cho ngành báo chí

Nỗ lực đầu tiên trong việc yêu cầu các công ty công nghệ trả phí chia sẻ thông tin cho các cơ quan báo chí đến từ Tây Ban Nha. Vào năm 2014, quốc gia châu Âu này ra luật yêu cầu các trang tổng hợp tin tức phải trả phí cho bên xuất bản nếu trích dẫn nội dung tin tức, dù chỉ là một đoạn nhỏ.

Nếu vi phạm, các trang tổng hợp tin tức có thể bị phạt từ 30.000 đến 300.000 euro (khoảng 32.000 đến 320.000 USD), theo tờ The Washington Post.

Động thái của Tây Ban Nha đã khiến Google đóng Google Tin tức (Google News, trang web tổng hợp tin tức của Google) tại Tây Ban Nha.

Nỗ lực thúc giục Facebook, Google trả phí chia sẻ thông tin báo chí
Nhiều nước thúc giục Facebook, Google trả phí chia sẻ thông tin báo chí. Ảnh minh họa: LINKEDIN

Bình luận về quyết định của Google, Bộ văn hóa Tây Ban Nha cho rằng đó một “quyết định mang tính kinh doanh”, đồng thời lưu ý rằng luật mới của nước này “không cản trở quyền tự do thông tin nhưng tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả”.

Và Google Tin tức đã ngừng hoạt động ở Tây Ban Nha trong suốt 8 năm. Mãi đến năm 2022, khi Tây Ban Nha sửa đổi đạo luật cho phép Google đàm phán riêng với các cơ quan báo chí thì Google Tin tức mới trở lại nước này.

Đạo luật sửa đổi của Tây Ban Nha dựa trên hướng dẫn về bản quyền kỹ thuật số mà Liên minh châu Âu (EU) thông qua năm 2019.

Đến nay, ngoài Tây Ban Nha, các nước châu Âu khác bao gồm Pháp, Đức, Hà Lan, Hungary và Cộng hòa Czech đã áp dụng hướng dẫn của EU.

Hướng dẫn của EU đã thực sự đạt được hiệu quả khi vào tháng 12-2022 Alphabet (công ty mẹ của Google) cho biết đã ký thỏa thuận trả phí cho hơn 300 cơ quan báo chí ở các nước châu Âu, nhưng không tiết lộ số tiền mà công ty đã trả cho các cơ quan này.

Sau thành công của các quốc gia châu Âu, năm 2021, chính phủ Úc thông qua Đạo luật Thương lượng tuyên truyền thông tin buộc Google và Meta (công ty mẹ của Facebook) phải thương lượng chia sẻ doanh thu với một số cơ quan báo chí ở Úc nếu muốn sử dụng nội dung từ báo chí.

“Bộ quy tắc này sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp truyền thông tin tức được trả thù lao xứng đáng cho nội dung họ tạo ra, giúp duy trì nền báo chí vì lợi ích công cộng ở Úc” - Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher nhận xét về đạo luật trong một tuyên bố chung.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng chính phủ Úc cũng đạt thỏa thuận với hai ông lớn công nghệ để mang lại điều mà chính phủ nước này mô tả là “sự cân bằng trong doanh thu giữa các công ty công nghệ với cơ quan báo chí”.

Quốc gia mới nhất điền tên mình vào nỗ lực đòi quyền lợi cho các cơ quan báo chí là Canada. Vào tháng 6, Canada công bố Đạo luật Tin tức Trực tuyến, sẽ có hiệu lực vào ngày 19-12, với nội dung tương tự như đạo luật của Úc.

Đến tháng 11, sau nhiều cuộc đàm phán, Google đã đồng ý sẽ trả 100 triệu CAD (73,6 triệu USD) mỗi năm cho các cơ quan báo chí của Canada.

Trong khi đó, Meta vẫn giữ thái độ kiên quyết phản đối đạo luật của Canada. Đáp lại, chính phủ Canada cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy cho đến khi công ty này tuân theo đạo luật.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy Meta bất chấp việc công ty này từ chối đầu tư vào tính nghiêm ngặt và ổn định của báo chí” - Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh hôm 15-12.

Theo giới quan sát, xu hướng thúc đẩy các công ty công nghệ trả phí chia sẻ thông tin báo chí được cho là sẽ tiếp tục lan rộng mạnh mẽ trong thời gian tới. Hiện tại, Mỹ, Anh, Brazil, Indonesia, New Zealand, Nam Phi và Thụy Sĩ đang xem xét các luật tương tự.

Cuộc chiến không dễ dàng

Dù một số nước đã thành công “đòi tiền” từ các công ty công nghệ cho các cơ quan báo chí, nhưng quá trình này không hề dễ dàng.

Như đã đề cập, Google đã đóng Google Tin tức ở Tây Ban Nha trong 8 năm để phản ứng đạo luật của Tây Ban Nha.

Với trường hợp Úc, sau khi nước này công bố đạo luật, Google đã lập luận rằng chất lượng của Google Tìm kiếm (Google Search) và YouTube sẽ giảm đáng kể nếu luật được thông qua. Giám đốc điều hành của Google Úc - bà Mel Silva khi đó đã đe dọa xóa Google khỏi Úc, theo tờ The Guardian.

“Nguyên tắc liên kết không hạn chế giữa các trang web là nền tảng cho tìm kiếm trên Google. Ngoài ra, nếu đạo luật này thực thi, sẽ đem lại rủi ro cho tài chính của công ty. Chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng cung cấp Google Tìm kiếm (Google Search) ở Úc” - bà Silva nói trước Thượng viện Úc.

Về phần Facebook, công ty này cho rằng việc tin tức báo chí xuất hiện trên nền tảng Facebook mang lại lợi ích cho các cơ quan báo chí và đó là “trao đổi giá trị” có lợi cho đôi bên.

“Về cơ bản, đạo luật đã hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các nhà xuất bản sử dụng Facebook để chia sẻ nội dung tin tức” - theo tuyên bố của Facebook về đạo luật của Úc.

Facebook sau đó đã chặn tất cả tin tức và vô tình chặn cả các trang thông tin của chính phủ xuất hiện trên nền tảng của Facebook ở Úc. Việc này tiếp diễn cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận với việc chính phủ Úc chấp nhận cho các công ty công nghệ “bí mật” lựa chọn cơ quan báo chí mà các công ty cảm thấy phù hợp để trả phí.

Nỗ lực thúc giục Facebook, Google trả phí chia sẻ thông tin báo chí
Logo của Google (trái) và Meta. Ảnh: INTERNET

Canada cũng trải qua cuộc chiến căng thẳng với Google và hiện vẫn đang tiếp tục đấu tranh với Facebook.

Trước khi đạt được thỏa thuận với Ottawa, Google đã phản đối đạo luật vì cho rằng việc hiển thị liên kết dẫn tới các bài báo là điều mà nhiều nền tảng công nghệ khác vẫn làm miễn phí nên việc buộc Google trả phí cho điều này là là “không thể thực hiện được”.

Trong khi đó, ngoài đe dọa chặn tin tức trên Facebook và Instagram đối với người dùng ở Canada, Facebook đã hủy chương trình học bổng trị giá 4 triệu USD dành cho các nhà báo Úc.

“Đạo luật Tin tức Trực tuyến của Canada về cơ bản là một đạo luật thiếu sót, bỏ qua thực tế về cách thức hoạt động của nền tảng của chúng tôi, sở thích của những người dùng và giá trị mà Facebook cung cấp cho các cơ quan báo chí” - theo tuyên bố của Facebook.

Nhận xét về phản ứng của Facebook, giáo sư Dwayne Winseck tại viện báo chí và truyền thông của ĐH Carleton (Canada) cho rằng công ty muốn bắn “phát súng cảnh báo” với các nước đang có ý định làm theo Canada.

Đây là bài đầu tiên trong loạt bài về "yêu cầu các nền tảng công nghệ trả phí chia sẻ thông tin báo chí”. Mời quý độc giả đón đọc bài 2, đề cập chi tiết về tiền lệ một số nước đã làm như thế nào để Google và Facebook phải nhượng bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm