Trái cây bảo quản bằng hóa chất, làm sao để tránh mua phải?

Để duy trì "tuổi thọ" của trái cây, nhất là trái cây trái mùa khi đưa ra thị trường, nhiều tiểu thương đã dùng nhiều cách khác nhau để bảo quản. Trong đó việc sử dụng biệp pháp bảo quản trái cây bằng hóa chất độc hại rẻ tiền được nhiều người lựa chọn bởi vừa giảm bớt chi phí bảo quản, lại có thể giữ trái cây tươi lâu hơn bình thường.

Đã có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng mua táo, lê, dưa hấu... để thờ cúng nhưng cả tháng trời trái cây vẫn tươi nguyên, khiến người dùng nghi ngại về độ an toàn của chúng. Gia đình chị Kim Phượng (quận 3, TP.HCM) chia sẻ, chị mua một quả dưa hấu từ tết Nguyên đán để trưng bày cho đẹp, tuy nhiên dù đã ba tháng trôi qua nhưng qua dưa vẫn còn tươi mới, chỉ héo phần cuống.

Quả dưa hấu được để ba tháng nhưng vẫn còn tươi mới. Ảnh: Thu Hà.

Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng khẳng định, trái cây bình thường không thể để lâu được như vậy. Theo đó chúng thường bị hỏng nhanh bởi hai lý do: Trước hết do quá trình hô hấp, trong trái cây vẫn diễn ra quá trình tự chín rồi tự thối rữa. Thứ hai là khi đã hái khỏi cành trái cây sẽ bị vi sinh vật xâm nhập theo núm, đẩy quá trình thối rữa diễn ra nhanh hơn. Cũng vì vậy trước đây người ta thường bôi vôi vào núm trái cây để ngăn không cho vi sinh vật xâm nhập, nhưng đến nay người sản xuất hoặc thương lái lại dùng hoá chất.

Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra nếu trái cây được bảo quản bằng các liệu pháp an toàn thông thường thì "tuổi thọ" của chúng không nhiều. Đơn cử như vải, quả nhãn chỉ được 3-4 ngày, mận tươi khoảng 10 ngày, cà chua 3-4 ngày là hỏng, cam tươi cũng chỉ kéo dài nhất được hơn một tháng, thế mà trên thị trường hiện nay có những loại trái cây giữ được tươi tới 5-6 tháng không hỏng. Rõ ràng những loại trái cây này đã được bảo quản bằng hoá chất, ăn vào rất có hại cho sức khoẻ.

Trên thực tế tình trạng trái cây mập mờ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường như táo New Zeland, nho Mỹ, xoài Ấn Độ, cam quýt Thái Lan, lê Trung Quốc... Nếu không biết phân biệt người tiêu dùng rất dễ mắc lừa và mua nhầm sản phẩm không đảm bảo an toàn.

"Tuy nhiên những loại trái cây cao cấp đắt tiền này có đúng như lời giới thiệu không, được bảo quản bằng hoá chất gì và có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không thực rất khó biết vì ngay nguồn gốc của chúng cũng rất mập mờ", Viện Dinh dưỡng khẳng định. Cũng theo Viện, để phân biệt trái cây tự nhiên với những loại bảo quản bằng hoá chất rất khó, không thể thực hiện được bằng mắt thường.

Các biện pháp để đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây. Tuy nhiên việc rửa sạch cũng là cách đề phòng hữu hiệu.

Để đảm bảo an toàn, các nhà chuyên môn khuyên người tiêu dùng cần thận trọng khi mua trái cây. Nên chọn mua những loại có dáng vẻ tự nhiên và cảnh giác với những loại nom quá bóng bảy, đẹp mã. Đối với cam quýt, nên chọn những quả còn cả cuống và lá. Tốt nhất nên lay thử nhẹ cuống xem có đúng cuống thật hay được dính bằng keo.

"Nên chọn mua trái cây ở những cửa hàng có tín nhiệm, không nên mua những loại không rõ nguồn gốc. Những loại trái cây (nhất là hàng nhập ngoại) được bảo quản theo các phương pháp an toàn thường được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công chế biến trên bao gói bán lẻ và trên thùng đựng. Việc sử dụng trái cây trái mùa cần được thận trọng nếu không biết rõ nguồn gốc cũng như phương pháp bảo quản", Viện đưa ra lời khuyên.

Có nhiều hoá chất đang được người ta dùng để bảo quản trái cây như đất đèn và một số hoá chất độc hại khác. Hóa chất được nói đến nhiều là chất chống nấm dùng trong xây dựng rẻ tiền. Trái cây sau khi được nhúng vào dung dịch này, các vi sinh vật bám vào sẽ bị chết ngay nên giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu. Có nơi người ta còn dùng cả chất 2,4 D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hoá chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước rất nhanh. Ngoài ra còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá, giúp cho trái cây tươi lâu.

Thậm chí có nơi người ta còn mua hoá chất rẻ tiền không nguồn gốc, pha trộn với liều lượng tùy thích để bảo quản trái cây, miễn là sản phẩm càng tươi lâu, càng bóng bảy càng tốt.

(Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm