Ông Hồ Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hào hứng nói về tục lệ trong đám hỏi của người Cadong.
Vừa ăn vừa nghe góp ý
Ông Vân cho hay, đám cưới của người Cadong cơ bản như miền xuôi, duy đám hỏi vẫn tiến hành theo phong tục truyền thống. Trai, gái tự nguyện yêu thương nhau, đủ tuổi thì hai bên gia đình sẽ tổ chức cưới xin. Tùy điều kiện từng gia đình, đám hỏi có thể tổ chức ở nhà trai hoặc nhà gái.
Khách mời thường là già làng, những người có uy tín, anh em trong họ hàng và bạn bè của cô dâu, chú rể. Thường đám hỏi sẽ diễn ra vào buổi tối để đông đủ thành phần được mời.
Nhà trai hoặc nhà gái sẽ chuẩn bị cơm trắng và một con gà luộc, tiết gà được dùng để cúng ông bà tổ tiên. Người cúng thường là già làng, người hay cúng làng cúng xóm hoặc cha mẹ của đôi nam, nữ.
Sau khi cúng xong, họ sẽ xem chén tiết, nếu tiết không đẹp thì tương lai hai vợ chồng có thể không suôn sẻ như ý muốn và người ta sẽ tìm cách hóa giải. Ngược lại, chén tiết đẹp, bằng phẳng thì vợ chồng hòa thuận, mọi điều như ý.
Tiếp theo, khách mời sẽ ngồi thành vòng tròn giữa nhà, còn cô dâu, chú rể thì ngồi giữa mọi người. Một người được chọn làm mối sẽ nắm hai nắm cơm và chuẩn bị một con gà luộc để đôi trai, gái xé ăn trước sự chứng kiến của hai bên họ hàng. Người làm mối phải là người trẻ tuổi, có hiểu biết và chưa lập gia đình để thể hiện cho sự trong trắng.
Ông Hồ Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dơn, chia sẻ về đám hỏi truyền thống của người Cadong. Ảnh: T.AN |
Lúc này, tất cả mọi người giữ yên lặng, đôi nam, nữ vừa ăn cơm và gà, vừa nghe già làng, cha mẹ và người lớn tuổi có uy tín trong nhà khuyên răn, góp ý những điều được và chưa được ở từng người.
Điểm nào tốt thì tiếp tục phát huy, chỗ nào chưa tốt thì sửa, bắt đầu từ bây giờ hai vợ chồng sẽ gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời, phải yêu thương, tối lửa tắt đèn có nhau dù sau này có vất vả, đau ốm.
“Họ khuyên rất nhiều, thanh niên, bạn bè cô dâu, chú rể cũng sẽ ngồi nghe. Vì là người cùng thôn, cùng làng, họ biết nên sẽ theo dõi. Ví như trong cuộc sống, họ phát hiện người nam có tính cách nào chưa tốt thì sẽ góp ý, giáo dục để điều chỉnh tốt lên trong lúc ăn nắm cơm. Họ khuyên, bây giờ anh không còn là thanh niên nữa mà là người chồng, sau là người cha nên phải có trách nhiệm với gia đình. Từ nay hai đứa phải trưởng thành hơn, chín chắn hơn, vợ nói thì chồng bớt lời, trước đây có thể quậy phá nhưng giờ thì phải chí thú làm ăn”- ông Vân cho hay.
Theo phó chủ tịch xã, nắm cơm to hay nhỏ thì tùy người làm nhưng đôi trai, gái bắt buộc phải ăn hết cơm và gà thì mới được thừa nhận là vợ chồng. Đây cũng là cách họ thể hiện sự tôn trọng cha mẹ, anh em họ hàng, những người lớn tuổi có mặt trong đám hỏi.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà ăn vội vàng, ăn nhanh nhanh cho xong mà phải tế nhị, từ tốn, vừa ăn vừa nghe và nghiền ngẫm những lời dạy bảo, góp ý của mọi người. Đó cũng là thời gian để hai người suy nghĩ về những gì đã trải qua cùng nhau, biết ơn người làm ra hạt gạo cũng như quý trọng công sức lao động.
Xã Trà Dơn phần lớn là người Cadong sinh sống. Ảnh: T.AN |
Khi không ai góp ý nữa thì đôi nam, nữ mới tranh thủ ăn cho hết, sau đó cùng khách mời uống rượu cần, ăn uống giao lưu. Theo tục lệ của đồng bào, sau khi ăn xong nắm cơm và gà thì họ chính thức trở thành vợ chồng, về pháp luật thì phải đăng ký kết hôn. Đám cưới có thể diễn ra ngay hôm sau hoặc vào thời điểm phù hợp do hai bên gia đình thống nhất.
Vợ chồng bỏ nhau là phải đền bằng... heo
Lập gia đình năm 2017, ông Vân bật cười nhớ lại lúc cùng vợ ăn nắm cơm trắng.
“Hai vợ chồng mình ăn nửa tiếng mới xong, dù thực tế chỉ cần khoảng 10 phút. Bài học về nắm cơm tuy đơn giản nhưng rất ý nghĩa, nhất là khi mình vừa ăn vừa ngẫm nghĩ lời dạy bảo của người lớn. Nó không chỉ bài học về cuộc sống gia đình mà còn dạy mình quý trọng hạt gạo, quý trọng sức lao động từ đôi bàn tay. Cho đến bây giờ những lời giáo dục đó vẫn theo hai vợ chồng”- ông chia sẻ.
Ông Vân cho hay, những năm gần đây, điều kiện kinh tế- xã hội được cải thiện, nhận thức của bà con được nâng lên, người lớn lo làm ăn, trẻ em lo đi học nên tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết dần được đẩy lùi.
Ở những địa bàn xa, đi bộ nhiều giờ mới đến nơi còn có chuyện nam, nữ quan hệ trước hôn nhân bị phát hiện hoặc có bầu trước khi cưới có thể bị dân làng chê trách, phạt gà, vịt hoặc “bêu” trước mọi người. Khi họp làng, già làng sẽ phê bình, sau đó đôi nam, nữ sẽ đứng để dân làng nói, mỗi người nói câu. Đó cũng là cách người ta giáo dục, răn dạy những người trẻ.
Ở những khu vực xa, đi lại khó khăn thì có lẽ họ còn chê trách, còn dưới trung tâm xã mình thì chuyện có bầu trước cũng bình thường, miễn là đủ tuổi, vợ chồng xác định với nhau và có ý kiến hai bên gia đình. Trước đây, khi pháp luật chưa được phổ biến sâu rộng, nam, nữ cưới nhau cam kết với nhau không qua giấy tờ mà qua lời nói, già làng, họ hàng chứng kiến. Bởi vậy có chuyện vợ chồng muốn bỏ nhau, người nào có lỗi thì người đó phải đền tiền, đền quế, heo… Giờ thì không còn nữa.
Ông Hồ Văn Vân