Ngày 30-8, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký công văn gửi các sở: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và Cục Thuế tỉnh liên quan đến chi phí, thời gian hoàn vốn thực tế và lợi nhuận của trạm thu phí BOT Phú Hài (TP Phan Thiết).
Theo công văn này, doanh thu thực tế của dự án BOT Phú Hài hơn 75 tỉ đồng và chi phí thực tế của dự án là hơn 36 tỉ đồng. Thời gian hoàn vốn theo thực tế của dự án là 8 năm 9 tháng 14 ngày (từ tháng 5-2004 đến 14-2-2013). Thời gian sinh lời của dự án (bằng 50% thời gian thu hồi vốn) là 4 năm 4 tháng 22 ngày (đến ngày 5-7-2017). Số lợi nhuận phát sinh trong thời gian dừng hoạt động trạm thu phí trước thời hạn, tỉnh hỗ trợ cho nhà đầu tư là 3 tỉ đồng.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết với thời gian hoàn vốn, sinh lời được xác định là 13 năm 2 tháng 6 ngày nên tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi chủ trương xác định thời gian khai thác, chuyển giao công trình cầu Phú Hài là 17 năm 6 tháng đã ký trước đây.
Tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan làm việc, thống nhất với nhà đầu tư về thời gian hoàn vốn, rà soát điều chỉnh lại hợp đồng ký kết với nhà đầu tư và các tài liệu có liên quan theo đúng thời gian hoàn vốn thực tế và thời gian thu phí tạo lợi nhuận của dự án, thương thảo thống nhất với nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục chấm dứt hoạt động trạm thu phí BOT cầu Phú Hài và chuyển giao cho Nhà nước.
Tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các quyết định theo thời gian hoàn vốn thực tế và thời gian thu phí tạo lợi nhuận của dự án.
Trạm thu phí BOT Phú Hài trước đây.
Được biết Công ty Rạng Đông được tỉnh Bình Thuận chấp nhận đầu tư dự án cầu Phú Hài theo hình thức BOT, lập trạm thu phí với thời gian thu 17 năm 6 tháng (từ tháng 5-2004 đến tháng 10-2021). Tỉnh Bình Thuận cũng cho phép trạm thu phí được tăng mức thu phí 5 năm/lần và không quá 10% mức tăng so với mức thu phí liền kề.
Theo Công ty Rạng Đông, suốt thời gian thu phí BOT, họ chưa lần nào tăng phí vì lo ngại dư luận và tâm lý không tốt đối với người dân khi lưu thông qua trạm (trạm thu phí này thu 7.000 đồng/lượt cho các loại xe ô tô 4-7 chỗ). Công ty Rạng Đông cho biết để góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch do trạm thu phí nằm ngay đường dẫn đến Mũi Né nên công ty đề nghị dừng thu phí trước hạn gần bốn năm.
Cụ thể, ngày 1-1-2017, sau 12 năm 7 tháng thu phí, Công ty Rạng Đông đã tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Đổi lại, Công ty Rạng Đông đề nghị được giao đất và tài sản trên đất là nhà điều hành của trạm thu phí nhằm bù đắp thiệt hại.
Để có cơ sở giải quyết đề nghị đổi đất, xóa trạm thu phí của Công ty Rạng Đông, trước đó UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GTVT căn cứ vào hợp đồng BOT đã ký báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của dự án đến ngày 1-1-2017 và dự kiến từ ngày này đến khi kết thúc hợp đồng BOT (tháng 10-2021). Giao các ngành liên quan xác định giá trị khu đất với mục đích sử dụng là đất ở và tài sản trên đất.
Trước đây, khi trạm thu phí Phú Hài đặt ở con lộ độc đạo đi Mũi Né hoạt động hơn 10 năm, rất nhiều du khách đã phàn nàn, phản ứng vì họ đã bỏ tiền đến Bình Thuận du lịch nhưng vẫn phải nộp phí ở cả chiều đi lẫn chiều trở về.