Trạm y tế lưu động ở Bình Dương: Dân cần là có mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã thành lập được trên 140 trạm y tế lưu động (TYTLĐ). Trong đó, các địa phương thuộc vùng đỏ như thị xã Tân Uyên, TP Thuận An, TP Dĩ An có trên 50 trạm.

Các TYTLĐ hoạt động 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Bệnh nhân FO an tâm điều trị

Bà NTN (khu phố Bình Thuận, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) là một trong rất nhiều F0 đã được TYTLĐ hướng dẫn chăm sóc tại nhà và sức khỏe đã bình phục, âm tính trong thời gian ngắn.

Khi người dân cần là đội ngũ nhân viên y tế của các trạm y tế lưu động 
sẽ nhanh chóng lên đường. Ảnh: LÊ ÁNH

Bà N cho biết mình bị phát hiện dương tính trong buổi test nhanh ở khu phố. Sau đó, nhân viên y tế đã kiểm tra và xác định bà có thể tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, bà đã tiêm vaccine mũi 1 nên nhân viên y tế đã tư vấn cho bà tự cách ly và điều trị tại nhà.

“Lúc nghe mình dương tính tôi rụng rời hết cả tay chân, tôi chỉ muốn được đưa đến bệnh viện để điều trị cho an toàn. Nhưng cán bộ y tế tư vấn và giải thích với mức độ nhẹ thế này, chỉ cần cách ly và điều trị ở nhà là sẽ khỏi. Sau đó, lực lượng y tế của TYTLĐ đã đến thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ nên tôi cũng an tâm ở nhà điều trị” - bà N nói.

Trong rất nhiều người nhiễm COVID-19 nhưng không phải ai cũng may mắn như bà N. Trường hợp của ông ĐVT (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) đã diễn biến xấu sau ba ngày điều trị tại nhà.

Lúc này ông T có dấu hiệu khó thở, đo nhịp thở 25 lần/phút, mạch nhanh, huyết áp thấp, thường xuyên đau tức ngực… Thấy tình hình của mình không ổn, ông T gắng gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng của TYTLĐ phường Tân Hiệp.

Nhận tin báo, lực lượng y tế đã nhanh chóng đến nhà, đưa ông T đi cấp cứu. Sau khi được cấp cứu kịp thời, ông T đã vượt qua cơn nguy hiểm, sức khỏe dần dần ổn định trở lại.

“Có lực lượng y tế lưu động kịp thời như thế này thì không chỉ tôi mà những bệnh nhân khác rất yên tâm. Lực lượng y bác sĩ hỗ trợ rất nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm” - ông T nói.

Trạm y tế lưu động giúp giảm tải cho tuyến trên

Theo ghi nhận của PV, khi các TYTLĐ đi vào hoạt động, bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị, cấp cứu và chuyển viện những bệnh nhân COVID-19 nặng kịp thời. Đồng thời còn khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội.

TYTLĐ tại phường Thuận Giao, TP Thuận An được thành lập ngay từ những ngày đầu phường thực hiện “khóa chặt, đông cứng”. Bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thuận An, cho biết bước đầu các TYTLĐ đã đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng chống dịch. Phát huy hiệu quả giúp các tuyến trên giảm tải, đặc biệt là bệnh nhân F0 tại các trạm y tế xã, phường trong thời gian qua. Nhờ có những TYTLĐ, TP Thuận An đã giảm đáng kể F0 tăng nặng và không còn các ca tử vong trong cộng đồng.

Tại thị xã Tân Uyên có khoảng 450.000 người. Do đây là vùng đỏ nên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trong khu nhà trọ, nhà máy, xí nghiệp và công ty.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thị xã Tân Uyên đã thành lập và đưa vào hoạt động 26 TYTLĐ, trong đó có 21 TYTLĐ tại bảy phường “khóa chặt, đông cứng”.

Theo ông Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, TYTLĐ hoạt động 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trạm còn thực hiện khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh thông thường, bệnh mạn tính, thực hiện sơ cấp cứu và chuyển tuyến các bệnh thông thường.

“Từ ngày thành lập đến nay, các TYTLĐ tại thị xã Tân Uyên đã chăm sóc trên 5.600 ca F0 và cấp cứu trên 390 bệnh nhân tại nhà, cấp phát trên 3.600 túi thuốc điều trị cho bệnh nhân F0 trên địa bàn” - ông Chín nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, các TYTLĐ giúp người dân, đặc biệt là người dân trong các vùng phong tỏa được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất. Kịp thời xử trí, hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 trở nặng.

Cũng theo ông Chương, ngành y tế vừa làm vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng 1.300 nhân lực y tế, trong đó có 600 cán bộ, nhân viên cho TYTLĐ.•

 Trạm y tế lưu động là lực lượng then chốt chăm sóc FO điều trị tại nhà

Trong năm ngày (từ ngày 23 đến 27-9), các địa phương đã tập trung thực hiện xét nghiệm “bắt” hết F0 ra khỏi cộng đồng, không để tình trạng F0 xuất hiện rải rác.

Song song đó, phải tiến hành phân loại tình trạng F0 ngay từ đầu. Nếu nhẹ thì cho tự cách ly, điều trị tại nhà; nặng thì chuyển đến các khu điều trị tập trung. Khi đó, lực lượng y tế cơ sở, đặc biệt là các TYTLĐ là lực lượng then chốt quản lý, chăm sóc F0 điều trị tại nhà.

Địa phương nào chưa thành lập TYTLĐ thì phải triển khai ngay. Tùy từng địa phương để có cách làm sáng tạo, huy động lực lượng y tế tư nhân cùng với TYTLĐ, khu/cụm công nghiệp tổ chức phòng khám ngay trong lòng khu dân cư, doanh nghiệp. 

Các địa phương phải vừa tập trung xét nghiệm vừa giữ vững vùng xanh để đến ngày 30-9, toàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.

Ông NGUYỄN VĂN LỢIBí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm