Trần Phú – Sáng chói khí tiết người cộng sản

Chính thân phụ ông cũng đã tự sát để biểu thị tinh thần phản kháng mệnh lệnh của thực dân đàn áp nông dân nổi dậy chống sưu thuế vào năm 1908. Thù nhà, nợ nước là động thái đầu tiên hướng người thanh niên này đến với cách mạng.

Năm 1922, sau khi đỗ thành chung, đồng chí Trần Phú dạy học tại Trường tư thục Cao Xuân Dục (Vinh) và từ đó chính thức dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 1925, đồng chí Trần Phú và một số thanh niên trí thức thành lập Hội Phục hưng Việt Nam (gọi tắt là Phục Việt), một tổ chức yêu nước tiến bộ nhưng chưa có cương lĩnh hành động. Đồng chí Trần Phú được giao nhiệm vụ hoạt động tại các trường học, các nhà máy tại Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), rồi được cử sang Lào để xây dựng các tổ chức cơ sở.

Năm 1926, đồng chí được Phục Việt (thời điểm đó tổ chức này tên là Hưng Nam) cử sang Quảng Châu tìm hiểu đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN).

Đồng chí Trần Phú đã theo học một khóa tập huấn lý luận chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào HVNCMTN. Đây là bước ngoặt quyết định để người thanh niên yêu nước Trần Phú trưởng thành đứng vào hàng ngũ của những chiến sĩ cộng sản và đến với chân lý cách mạng - giải phóng dân tộc và giải phóng nhân dân lao động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin.

Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú về Nghệ An, báo cáo với tổ chức Phục Việt và vận động chủ trương sáp nhập Phục Việt vào HVNCMTN, song không được đa số hội viên tán thành, lại bị kẻ thù truy nã gắt gao, nên mùa xuân 1927 phải trở lại Quảng Châu. Sau đó, đồng chí được HVNCMTN tiến cử sang Liên Xô tham dự chương trình học kéo dài từ năm 1927-1929 tại Trường Đại học Phương Đông.

Đầu năm 1930, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công cùng Ban Thường vụ Trung ương chuẩn bị Hội nghị lần thứ nhất BCHTƯ và chủ trì dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng.

Hội nghị lần thứ nhất BCHTƯ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930 tại Hương Cảng đã thông qua Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cần kíp của Đảng và dự thảo Luận cương chính trị của Đảng được xây dựng trên cơ sở vận dụng lý luận cách mạng và kết quả khảo sát thực tiễn trong và ngoài nước. Hội nghị đã bầu ra BCHTƯ, BTVTƯ chính thức của Đảng và Tổng Bí thư là đồng chí Trần Phú.

Khu tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Thời kỳ này, cách mạng Việt Nam đã phát triển sôi nổi mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh do đồng chí Trần Phú cùng TVTƯ Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào. Cuối tháng 3-1931, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn. Hội nghị lần này nhằm để củng cố tổ chức Đảng, thúc đẩy tổ chức Cộng sản Thanh niên Đoàn và phương pháp duy trì phong trào đấu tranh chống khủng bố của giặc.

Phong trào XVNT đã bị đàn áp dã man, nhiều lãnh đạo cao cấp đã bị địch bắt. Đến ngày 19-4-1931, đồng chí Trần Phú cũng bị thực dân Pháp bắt. Bất chấp mọi cực hình tra tấn của giặc, đồng chí Trần Phú luôn tỏ rõ tinh thần bất khuất cao độ, ý chí tiến công cách mạng của một người cộng sản chân chính. Bị những trận đòn dã man hành hạ đến sức cùng lực kiệt, đồng chí đã hy sinh vào ngày 6-9-1931.

Hơn 60 năm sau, ngày 12-1-1999, hài cốt đồng chí Trần Phú được đưa về an táng tại quê hương Tùng Ảnh. Đã qua 105 năm ngày sinh của đồng chí Trần Phú, nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định những đóng góp to lớn của ông vào công cuộc xây dựng Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương.

Lời nhắn nhủ của đồng chí Trần Phú trong giờ phút cuối cùng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” cho đến bây giờ vẫn giữ vẹn nguyên giá trị để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Theo THANH TRÚC (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới