Vòng chung kết sẽ khai mạc bằng việc ra mắt ban giám khảo và thông qua quy chế chấm chung khảo cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí”. Dự kiến chiều 15-9 lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội với giá trị cho giải nhất lên tới 30 triệu đồng.
Khán giả được tự tay bầu
“Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí” là cuộc thi do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Sáng kiến phòng, chống tham nhũng” - VACI 2013 do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức khác phối hợp thực hiện từ tháng 10-2013.
Cuộc thi đã quy tụ được hầu hết cây bút biếm họa hàng đầu Việt Nam và tiếp nhận một bộ sưu tập tranh biếm lên tới 615 tác phẩm chất lượng với các tên tuổi. Đặc biệt, bên cạnh nhiều cây biếm chuyên nghiệp, cuộc thi còn nhận được tác phẩm của rất nhiều cây bút không chuyên là những người đang làm giảng viên đại học, công an, kiến trúc sư, sinh viên…
Trước đó, 70 tác phẩm xuất sắc của 23 tác giả được lựa chọn vào vòng chung khảo từ tổng số hơn 600 tranh gửi tham dự thi đã được trưng bày tại CLB Vành Khuyên để các họa sĩ, nhà báo và các khán giả, độc giả đến thưởng lãm và bầu chọn cho các tác phẩm yêu thích nhất. Trong số 70 tác phẩm này thì có đến 36 tác phẩm (chiếm tỉ lệ 52%) đã được đăng trên chín cơ quan báo chí.
Một số tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo:
1. Tranh Đường sắt: Mã số 118, tác giả Vũ Thanh Hiền - Zĩn.
2. Tranh Đường/bụng cong: Mã số 144, tác giả Đỗ Đăng Khoa - Khoa Đỗ.
3. Tranh Tăng tuổi hưu: Mã số 261, tác giả Nguyễn Hữu Tâm - Tê.
4. Tranh Con cháu các cụ: Mã số: 589, tác giả Nguyễn Thị Diệp Thanh - Sói.
“Mỗi bức tranh như một bài báo điều tra”
Đánh giá tổng thể về mặt mỹ thuật và biếm họa, các tác phẩm vào vòng chung khảo không chỉ đạt các yêu cầu mà thể lệ cuộc thi đặt ra mà còn thể hiện xuất sắc các vấn đề tiêu cực, được nhiều người quan tâm và gây ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Nhiều khán giả đến xem triển lãm nói rằng “tính chiến đấu trên mỗi bức tranh có giá trị như một bài báo điều tra” bởi không cần một dòng giải thích, người xem có thể hiểu được thông điệp mà họa sĩ muốn gửi gắm. Do yêu cầu của thể lệ cuộc thi, đề tài sáng tác của các họa sĩ biếm tập trung chủ yếu vào sự kiện, vấn đề nổi cộm ở các lĩnh vực như các sự kiện liên quan đến CSGT, hàng hải, đóng tàu, đường sắt, ngân hàng, y tế, giáo dục, điện, xăng dầu, tổ chức cán bộ, kê khai tài sản, thể thao, giao thông, quy hoạch đô thị, bất động sản, văn hóa tâm linh, quản lý thực phẩm,...
615 tác phẩm tham dự cuộc thi thể hiện các vấn đề nóng của xã hội một cách linh hoạt, đa dạng, bằng nhiều hình thức, thủ pháp nghệ thuật. Một số tác phẩm đã chọn cách tả thực, một số cường điệu, số khác được thể hiện bằng bột màu, chì, cũng có các tác phẩm thể hiện những bút pháp khá lạ lẫm và ấn tượng như phi lập thể hoặc sử dụng các thủ pháp của nghệ thuật tạo hình, liên kết và khái quát vấn đề để đưa ra các tác phẩm giàu ý nghĩa, giá trị cao mà vẫn hài hước, gây cười.
Danh sách các họa sĩ đoạt giải sẽ được công bố rộng rãi trong lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 14 giờ 30 thứ Hai ngày 15-9 tại khách sạn Thắng Lợi, số 200 Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một giải nhất (giải thưởng 30 triệu đồng), một giải nhì (15 triệu đồng), hai giải ba (7 triệu đồng/giải) và năm giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải). Ngay tại lễ trao giải, ban tổ chức sẽ công bố các hoạt động tiếp theo của Dự án VACI 2014 với mục tiêu “Nâng cao tính chiến đấu của tranh biếm họa” nhằm hỗ trợ giới họa sĩ và báo chí.
BAN TỔ CHỨC