Tại phiên họp UBND TP Hà Nội ngày 28-4, Sở GTVT TP Hà Nội đã trình bày dự thảo về hoạt động các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn. Điểm đáng chú ý là dự thảo này đề xuất nên cho một số phương tiện khác như buýt thường, xe cứu thương… đi vào làn xe buýt nhanh BRT nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng làn đường riêng BRT.
Vì làn BRT còn thưa xe?
Đại diện Sở GTVT TP Hà Nội nêu nguyên nhân đưa ra đề xuất trên là do hành khách đi xe buýt nhanh chưa nhiều, chỉ đạt khoảng 42,4 hành khách/lượt, chưa bằng 50% sức chứa của xe buýt nhanh là 90 chỗ. Từ đó, tần suất xe buýt nhanh đi trên làn riêng BRT còn thưa (kế hoạch tần suất phục vụ 5-10-15 phút/lượt xuất bến tùy vào số khách đông hay thưa); tuy nhiên cũng chỉ tối đa 358 lượt xe đối với ngày thường và 264 lượt xe vào ngày Chủ nhật.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định lượng khách bình quân đi BRT đạt thấp, mỗi xe có 34 khách, cao nhất gần 48 khách, trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý. “Trước mắt đưa xe buýt thường đi vào đây. Sở GTVT nghiên cứu, làm việc với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội để trước mắt thí điểm sáu tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT. Sau đó nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác” - ông Chung chốt lại.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội, cho hay hiện tại có 10 tuyến buýt thường trung chuyển, chạy đoạn ngắn trùng với tuyến BRT. “Chúng tôi đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các tuyến buýt thường này. Đồng thời cũng nghiên cứu lại cách tổ chức giao thông trên tuyến BRT để khi UBND TP Hà Nội có thông báo chính thức ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, chúng tôi sẽ đề xuất với Sở GTVT”. Cũng theo ông Hải, nếu được chấp thuận thì phương án đưa buýt thường vào chạy chung làn với BRT sẽ được triển khai thí điểm sáu tháng, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới tiếp tục nghiên cứu đưa các phương tiện vào chạy chung làn với BRT.
Hành khách đi xe buýt nhanh đạt 42,4 hành khách/lượt xe 90 chỗ. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Nhà chờ xe buýt nhanh khá vắng vào giờ thấp điểm. Ảnh: TRỌNG PHÚ
“Hãy cho BRT một cơ hội”
Trước dự định đưa buýt thường chạy chung làn với BRT của TP Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định sẽ xuất hiện những bất cập. Trước hết hạ tầng của buýt thường và BRT khác nhau, như cửa và nhà chờ buýt thường bên phải đường, trong khi của BRT được bố trí bên trái. Nếu chạy chung làn, buýt thường phải đổi làn đường liên tục dễ gây ách tắc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. “Tuyến đường BRT có ba làn đường, một làn đã dành riêng cho BRT, hai làn còn lại dành cho ô tô, xe máy, xe thô sơ. Nếu buýt thường phải chuyển làn liên tục, tạt ra tạt vào để đón khách thì dễ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, dễ gây ùn tắc giao thông” - chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm nhận định.
Ông Tâm cũng cho rằng Hà Nội nên cân nhắc việc cho buýt thường hay các phương tiện khác sử dụng chung làn với BRT. “Vì hiện Hà Nội đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức cho tuyến buýt nhanh này. Đến nay người dân đã có thiện cảm và ngày càng đi BRT nhiều. Người đi đường cũng đã chủ động không lấn làn của buýt nhanh nữa. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Hà Nội cần có giải pháp để hấp dẫn người dân sử dụng loại hình giao thông hiện đại, văn minh này. Đừng nên thay đổi, chỉ vì nâng cao hiệu suất sử dụng mặt đường mà cho phương tiện khác đi vào làn đường BRT, dần dần biến BRT thành buýt thường” - ông Tâm nói.
Chung quan điểm này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu ý kiến trên trang Facebook của mình: “Hãy cho BRT một cơ hội”. Ông cho rằng việc Hà Nội thí điểm cho buýt thường chạy vào làn BRT có thể khiến tầm nhìn dài hạn về giao thông công cộng của Hà Nội bị phá vỡ. Theo ông, BRT là giải pháp cho giao thông công cộng của Hà Nội trong dài hạn. Cái mà BRT hướng tới là thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân. Bởi vì BRT quá nhanh chóng, quá tiện lợi và lại được ưu tiên nên số người lựa chọn BRT sẽ ngày một nhiều hơn. Bất cứ ai đã trải nghiệm BRT sẽ không tìm lựa chọn khác nữa. Mà như vậy thì số người dân từ bỏ xe máy để đi lại bằng BRT ngày một nhiều hơn. Và đây chính là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu ách tắc giao thông.
Dấu hiệu tích cực của BRT Báo cáo kết quả ba tháng vận hành tuyến BRT của Sở GTVT Hà Nội (từ ngày 1-1 đến 31-3) cho thấy một số dấu hiệu tích cực của BRT: - Tốc độ chạy xe trung bình gần 20 km/giờ, tăng 20% so với buýt thường - lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỉ lệ 98,7%. - 23,3% hành khách cho biết đã chuyển từ các phương tiện khác (xe máy, xe ôm, taxi…) sang sử dụng BRT, trong đó chuyển từ xe máy chiếm (16,3%). - Xu hướng hành khách đi BRT bằng vé tháng tăng. - Người dân có thiện cảm hơn với BRT và nhiều phương tiện đã chủ động không đi vào làn đường BRT. ______________________________ Nếu làm không khéo, BRT sẽ không còn khác biệt gì nhiều so với xe buýt thường. Sức hấp dẫn của BRT vì vậy chưa được nhận biết rộng rãi đã nhanh chóng bị suy giảm. Tầm nhìn dài hạn cho giao thông công cộng của Hà Nôi sẽ bị phá vỡ. TS NGUYỄN SĨ DŨNG, |