Tranh cãi kiến nghị truy thu Sabeco 408 tỉ đồng

Việc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị yêu cầu phải nộp bổ sung hơn 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã trở thành chủ đề bao trùm buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày 10-7.

Lập luận của kiểm toán

Sabeco là công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó các công ty thương mại khu vực chịu trách nhiệm phân phối bia tới từng vùng do Sabeco nắm vốn góp 90%-95%. Việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị này hiện được thực hiện theo mô hình: Sabeco sản xuất, bán bia cho các công ty khu vực; các công ty khu vực bán tiếp cho các đại lý cấp I; các đại lý cấp I bán tiếp cho các đại lý cấp II, các nhà hàng... rồi tới tay người tiêu dùng.

Bia là mặt hàng chịu thuế TTĐB. Lâu nay Sabeco vẫn đóng thuế trên cơ sở giá tính thuế là giá mà Sabeco bán cho các công ty thương mại khu vực của mình. Tuy nhiên, KTNN cho rằng giá tính thuế phải là giá mà các công ty bán cho các đại lý. Vì giá ở khâu này cao hơn khâu trước nên thuế TTĐB mà Sabeco phải nộp ngân sách năm 2013 - niên độ kế toán mà KTNN phân tích, mổ xẻ - sẽ phải tăng thêm 408,8 tỉ đồng.

Giải thích trong buổi họp báo, bà Trương Thị Việt Hương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực 4 - đơn vị trực tiếp tiến hành kiểm toán cho rằng mô hình của Sabeco là khép kín sản xuất - tiêu thụ, lợi nhuận cuối cùng đều được chuyển về cho công ty mẹ. Do đó, phải thu thuế như kiến nghị của kiểm toán mới chính xác, qua đó không để thất thu thuế.

Theo giải trình của Sabeco, việc chịu thuế TTĐB theo cách tính của KTNN là không công bằng. Ảnh: HTD

Giải trình từ Sabeco

Về phía Sabeco, ngay sau khi nhận kết luận kiểm toán thì đã có văn bản báo cáo giải trình. Theo đó, các công ty thương mại khu vực dù bao tiêu sản phẩm của Sabeco và do Sabeco nắm phần lớn vốn nhưng chỉ là đơn vị liên kết, pháp nhân độc lập. Trong quá trình hoạt động, Sabeco đã có nhiều văn bản hỏi và Tổng cục Thuế trả lời rằng giá tính thuế là giá Sabeco bán ra cho các công ty thương mại khu vực và không thấp hơn 10% giá mà công ty khu vực bán tiếp tới các đại lý. Cách tính này là sát với Thông tư 05 của Bộ Tài chính ban hành năm 2012.

Mặt khác, hiện có nhiều tổng công ty, tập đoàn sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chịu thuế TTĐB như rượu, bia, thuốc lá... cũng có mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm như vậy. Nay chỉ Sabeco phải chịu thuế TTĐB theo cách tính của KTNN là không công bằng. Mặt khác, nếu chấp nhận cách tính mới này thì hồi tố trở lại từ năm 2008 (năm Luật TTĐB có hiệu lực) thì tổng số thuế phải nộp thêm sẽ lên tới khoảng 3.500 tỉ đồng. Việc truy thu này là bất khả thi bởi kết quả kinh doanh hằng năm đã được hạch toán; Sabeco và các công ty liên kết đã nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... trên cơ sở doanh thu, lợi nhuận được cân đối với giá tính thuế TTĐB như cách làm lâu nay; lợi nhuận của Sabeco và các công ty liên kết đã được chia cho các cổ đông.

Ngoài ra, Sabeco cho rằng kiến nghị thu thuế bổ sung của KTNN nếu được Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đồng tình thì sẽ tác động ngay tới việc kê khai nộp thuế TTĐB của nhiều doanh nghiệp có hoạt động tương tự, như Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội Habeco, Thuốc lá, Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam...

Pháp luật quy định chưa rõ

Theo các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB được tính theo các trường hợp:

- Nếu cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB bán hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì giá làm căn cứ tính thuế là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra.

- Nếu cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá tính thuế là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở thương mại. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.

Sau khi kết thúc kiểm toán, trong văn bản gửi Bộ Tài chính hồi đầu năm, KTNN cho rằng các quy định này chưa phân định rõ giá tính thuế trong hai trường hợp: (i) Cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất; (ii) Cơ sở kinh doanh thương mại là công ty con của cơ sở sản xuất, thuộc cùng hệ thống sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong mô hình công ty mẹ - công ty con. Do đó, KTNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi để tránh thất thu thuế TTĐB cho ngân sách nhà nước.

Về việc này, Phó Tổng kiểm toán Cao Tấn Khổng nói: “Phát hiện lỗ hổng thì chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục. Còn về phía Sabeco vẫn phải thực hiện kiến nghị của kiểm toán”.

Nhưng nếu chỉ truy thu thuế với Sabeco thì với các công ty khác cũng sản xuất - tiêu thụ hàng chịu thuế TTĐB theo mô hình này sẽ thế nào? Ông Khổng trả lời: “KTNN chỉ kiểm toán với Sabeco, vì đó là DNNN. Còn với các tổng công ty, tập đoàn khác thì các cơ quan quản lý nhà nước về thuế chủ động thanh tra, kiểm tra để tránh thất thu, chuyển giá”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới