Trước đó, ngày 21-7, cơn mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường của thành phố Hà Nội ngập úng. Ô tô, xe máy lưu thông khó khăn, nhiều xe chết máy và bị rơi mất biển số, lưới tản nhiệt do lực đẩy của nước.
Vào lúc này, một số người dân đã có "sáng kiến" đi mò tìm các biển số, thanh chắn xe bị rơi khi đường ngập rồi cho chủ xe chuộc lại với giá khoảng 500.000 đồng/biển số. Trong phút chốc, "nghề" này trở nên có giá và thu hút nhiều người tham gia.
Người đi ô tô phải bỏ tiền để chuộc lại biển số. Ảnh VNE
Trong khi những chủ xe khá vất vả khi đi lùng tìm lại biển số của mình thì một số người dân cho biết nhóm thu gom kiếm được tiền khá tốt nhờ công việc này. Có người còn vui vẻ khoe một ngày mò, nhặt được đến 20 tấm biển số.
Tuy nhiên, việc đi gom biển số bị rơi rồi nhận tiền "chuộc" đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Một số đồng tình song đa số khác lại phản đối vì cho rằng tận dụng tình huống khó khăn của người khác để kiếm tiền là chưa hay.
Số đông cho rằng không nên đưa ra một mức giá chuộc như vậy mà nếu nhặt được thì nên trả lại cho người mất. Trường hợp người mất biến số muốn cảm ơn thì có thể tự nguyện gửi cho người nhặt biển số một món tiền gọi là đáp lễ.
Bạn NTrung cho rằng: “Lấy chút tiền cà phê, đôi bên vui vẻ được rồi, kiếm tiền trên sự xui xẻo của người khác coi bộ không ổn". “Tôi đồng ý. Ông bà đã dạy nhặt được của rơi trả cho người mất, đòi tiền chuộc là không nên" - bạn Tố Như bình luận.
"Dù biết người đi mò biển số cũng cực nhưng họ làm vậy là có động cơ kiếm tiền. Mà kiếm tiền kiểu này thấy cứ kỳ kỳ sao đó, hơi cơ hội" - bạn Phi Khanh nêu quan điểm.
Bạn Nguyễn Thắng nói: “Ban đầu thấy người kia gom được cả đống biển số đang mừng vì sao có người tốt thế. Hóa ra là cố ý tìm để lấy tiền chuộc. Tuy là không sai nhưng hành động này chưa đẹp, chưa kể mức giá 500.000 đồng có hơi cao. Cái này giống như xui xẻo vì thiên tai mà".
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc tính tiền chuộc biển số như vậy là chính đáng vì đây là công sức lao động của người đi tìm kiếm. Một số bạn đọc đồng tình nếu là vô tình nhặt được thì sẽ cho xin lại còn đây là người ta mất công đi tìm.
"Bị rơi mất ví hay giấy tờ thì chỉ mong có người cho mình chuộc lại thôi các bạn ạ. Đi làm lại biển số cũng mất công lắm. Thôi thì đôi bên cùng có lơi còn mức giá thì người đi ô tô chắc chấp nhận được" - bạn Thanh Phong góp ý.
Theo thầy Trần Nam - Thạc sĩ Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM-từ xưa dân tộc ta có quan niệm nhặt được của rơi trả lại cho người mất. Đó là biểu hiện của nét đẹp trong hành xử với cộng đồng. Tuy nhiên, bây giờ việc này đã trở thành nhặt là của rơi thì cần chuộc lại. Như vậy đã có một sự thay đổi trong thang giá trị đạo đức. Đó là chưa kể việc chiếm giữ hoặc không trả lại đồ cho người đánh rơi còn khó để xử lý theo pháp luật.
"Theo tôi hành vi yêu cầu chuộc lại biển số xe là một việc làm không được khuyến khích trong xã hội nhưng cũng không có luật cấm. Chính vì thế, để tuyên truyền, khuyến khích người dân có hành xử đẹp thì phải bắt đầu từ việc giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội.
Phải làm cho lớp trẻ hiểu được giá trị của sự chia sẻ như là nên trả lại đồ cho người đánh rơi một cách vô điều kiện. Từ đó, con người sẽ sống và hướng tới những việc làm đẹp. Bên cạnh đó, xã hồi cần tôn vinh những hình ảnh đẹp, việc làm tốt để định hướng thêm cho hành xử của cộng đồng" - thầy Nam nêu quan điểm.