Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao song nhiều người dân vẫn bức xúc, thậm chí có người cho rằng cách tính tiền điện theo bậc thang là làm “phát sinh một khoản rò rỉ” tiền điện mà khách hàng phải trả dù đó không phải do khách hàng.
Vì sao trả tiền điện nhiều hơn?
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thanh Thảo (quận 1) cho biết hóa đơn tiền điện của nhà chị tháng 3 tăng cao đột biến. Theo chị Thảo, tiền điện nhà chị trung bình một tháng khoảng 1,6-1,8 triệu đồng, tuy nhiên đến tháng 3 tăng vọt lên 2,8 triệu đồng. Cụ thể, lượng điện tiêu thụ tháng 2 là 637 kWh nhưng tới tháng 3 là 978 kWh. Chị đã yêu cầu ngành điện xuống kiểm tra lại đồng hồ và hệ thống đường dây điện vì sợ bị rò rỉ hoặc đồng hồ chạy quá nhanh nhưng sau khi kiểm tra thì không có dấu hiệu này.
Tương tự, anh NTB (phường 6, quận 3) cũng bức xúc vì hóa đơn tiền điện tháng 3 cao gấp đôi so với tháng 2. Theo anh B., hằng tháng gia đình anh thường sử dụng khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tiền điện trong tháng 3 tăng lên 2,8 triệu đồng, trong khi EVN mới chỉ tăng 8,36%, như vậy là cách tính tiền điện có vấn đề.
Anh B. lý giải cách tính tiền điện này không hợp lý và làm phát sinh một khoản tiền điện mà không phải do khách hàng. Cụ thể, EVN phân bổ số kWh điện trong mỗi bậc giá điện để áp dụng biểu giá khác nhau. Song cách tính này rất bất hợp lý bởi thời gian có tính tuần tự và sự gia tăng số kWh điện năng tiêu thụ cũng phải theo kiểu lũy kế, chứ không thể “nhảy cóc” giữa biểu giá này với biểu giá khác như vậy được. Với cách tính này, EVN đã vô tình đẩy mức điện năng tiêu thụ của khách hàng lên tính ở bậc giá cao hơn.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), cho biết với lượng điện năng tiêu thụ của chị Thảo trong tháng 3 là 978 kWh, EVNHCMC tính số tiền điện theo giá cũ là 2.350.220 đồng, còn tính theo biểu giá mới là 2.574.855 đồng (chưa có VAT). Như vậy, khoản tiền chênh lệch do giá điện tăng là 224.635 đồng.
Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao, theo ông Việt, thứ nhất do TP.HCM bước vào giai đoạn nắng nóng nên số điện năng tiêu thụ tăng. Thứ hai, tháng 3 có số ngày nhiều hơn tháng 2 (31 so với 28 ngày); cạnh đó tháng 2 rơi vào thời gian nghỉ Tết dài ngày, các gia đình có thời gian đi du lịch nên sử dụng điện ít hơn. Thứ ba, áp dụng giá điện mới từ ngày 20-3 theo Quyết định số 648/ QĐ-BCT của Bộ Công Thương, theo đó mức giá bình quân tăng 8,36% (từ 1.740,65 đồng/kWh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh).
Theo EVN, năm 2019 dự báo nhu cầu sử dụng điện tăng hơn 10% so với năm 2018, đặc biệt trong ba tháng mùa khô 4, 5, 6. Ảnh: HOÀNG GIANG. Hóa đơn điện của một hộ gia đình tháng 3 cao hơn tháng 2. Ảnh: Đ.TRANG
Dùng càng nhiều, trả tiền càng cao?
Trả lời câu hỏi vì sao người dân tiêu thụ càng nhiều thì phải trả giá điện cao hơn, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN, cho biết hiện nay giá bán lẻ cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm sáu bậc. Việc xây dựng giá điện nhiều bậc thang (bậc càng cao thì giá điện càng tăng) là để khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả vì mục tiêu an ninh năng lượng. Việc đưa ra biểu giá điện sinh hoạt bậc thang được quy định cụ thể trong Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Dũng, hiện rất nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng giá điện theo các bậc với giá điện của các bậc tăng dần. Hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn. Cụ thể, Nhật tính lũy tiến theo ba bậc; Thái Lan thì phức tạp hơn, sử dụng dưới 150 kWh/tháng có bảy bậc, trên 150 kWh/tháng có ba bậc; Malaysia tính lũy tiến theo năm bậc; Philippines tính lũy tiến theo tám bậc; Hàn Quốc tính lũy tiến theo ba bậc; Indonesia theo năm bậc; Hong Kong theo bảy bậc…
Ông Dũng cũng cho biết theo số liệu thống kê về tỉ trọng khách hàng trên cả nước sử dụng điện sinh hoạt, có hơn 30% khách hàng sử dụng điện ở bậc 3, 17% sử dụng ở bậc 2 và 14% sử dụng ở bậc 1. “Vì vậy, việc xây dựng biểu giá sáu bậc thang chính là để tính đúng, tính đủ các chi phí cung ứng điện; đồng thời đảm bảo các chính sách xã hội của Nhà nước” - ông Dũng nhấn mạnh.
Hướng dẫn cách tính hóa đơn tiền điện, ví dụ cho một hộ tiêu dùng 500 kWh. Hóa đơn tính theo biểu giá cũ: 1.549 đồng x 50 + 1.600 đồng x 50 + 1.858 đồng x 100 + 2.340 đồng x 100 + 2.615 đồng x 100 + 2.701 đồng Hóa đơn theo biểu giá mới (điều chỉnh từ ngày 20-3): 1.678 đồng x 50 + 1.734 đồng x 50 + 2.014 đồng x 100 + 2.536 đồng x 100 + 2.834 đồng x 100 + 2.927 đồng x 100 = 1.201.700 đồng. Như vậy, với mức tiêu dùng là 500 kWh/tháng, mức tăng hóa đơn tiền điện ở mức 8,37%. |
Vì sao có giá giờ cao điểm, thấp điểm?
Giải thích thắc mắc này, ông Dũng lý giải vào thời gian cao điểm thì gần như hộ gia đình nào cũng nấu cơm, bật tivi… và đẩy phụ tải vào thời điểm này lên cao. Để đáp ứng được sự gia tăng phụ tải, hệ thống buộc phải huy động các nhà máy có chi phí cao hơn vận hành (để tối ưu về kinh tế nên thứ tự huy động nhà máy sẽ từ rẻ đến đắt) vào hệ thống điện nhằm đảm bảo về kỹ thuật. Do vậy, phụ tải sinh hoạt càng tăng (dùng càng nhiều) thì càng phải huy động nhiều nhà máy có chi phí cao để đáp ứng (chi phí càng cao). Đó là logic của biểu giá thấp điểm, cao điểm.
“Giá cao điểm và thấp điểm là rất khác nhau vì chi phí cung ứng giữa thấp điểm và cao điểm là khác nhau (phía sản xuất). Cùng một thao tác ấn nút chạy máy rửa bát hay máy giặt lúc 19 giờ và lúc 21 giờ 30 thì chi phí gây ra cho hệ thống điện là rất khác nhau” - ông Dũng nói.
Trao đổi thêm, ông Dũng nhấn mạnh điện năng là một dạng hàng hóa đặc biệt, là hàng hóa mà cung phải bằng cầu ở mọi thời điểm. Vì vậy, với nguyên tắc điều độ là đảm bảo an toàn về kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cao nhất thì việc huy động các nhà máy điện đáp ứng lượng cầu ở các thời điểm khác nhau trong ngày là khác nhau và vì thế chi phí cung ứng ở các thời điểm của hệ thống cũng khác nhau. Hệ thống giá điện thường phải có tính đa mục tiêu, vừa đảm bảo những khía cạnh an sinh xã hội lại vừa đảm bảo các nguyên tắc kinh tế cần thiết.
Cần hiểu đúng về sử dụng điện PGS-TS Bùi Xuân Hồi, bộ môn kinh tế công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: Về nguyên tắc, khi xây dựng biểu giá điện thì phải đạt được hai mục đích: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo); thứ hai là khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện. Vì thế, hai bậc thang đầu tiên là bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (51-100 kWh) mức giá vẫn được duy trì thấp. Sau đó, với logic dùng càng nhiều giá càng đắt thì người dân dùng càng nhiều sẽ phải trả chi phí lớn. Bên cạnh đó, điện cũng được làm ra từ những tài nguyên thiên nhiên như nước, nhiên liệu hóa thạch nên không có quốc gia nào khuyến khích người dân dùng nhiều điện, thay vào đó là khẩu hiệu tiết kiệm năng lượng luôn được nhắc tới. “Chính vì thế, càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao cũng là một biện pháp để hạn chế hành vi dùng nhiều điện. Người dân sử dụng điện vào thời kỳ cao điểm thì dùng càng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn do chi phí họ gây ra cho hệ thống điện nhiều hơn. Vì thế khó có chuyện giá điện sáu bậc thì người hưởng lợi là ngành điện” - PGS-TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh. |