Việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc (TQ) và cho rằng đây là khinh khí cầu do thám, trong khi TQ khẳng định phương tiện này chỉ đơn thuần phục vụ mục tiêu khí tượng, đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chức năng do thám của khinh khí cầu.
Điểm lợi khi dùng khinh khí cầu để do thám
Theo trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khinh khí cầu là công cụ quan trọng để thu thập thông tin tình báo trong thế kỷ 19 và việc các siêu cường dùng khinh khí cầu để do thám là chuyện bình thường.
Chẳng hạn, Mỹ đã sử dụng khinh khí cầu tầm cao vào những năm 1950 để do thám Liên Xô. Các khinh khí cầu này bay “qua các nước thuộc khối Xô viết dưới danh nghĩa nghiên cứu khí tượng”. Tuy nhiên, động thái này đã mang lại nhiều sự phản đối từ Điện Kremlin hơn là thông tin tình báo hữu ích. Liên Xô cũng đã bắn hạ các khinh khí cầu này, theo tờ The New York Times.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ dùng khinh khí cầu để nghiên cứu không gian. Ảnh: NASA |
Ông David DeRoches, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á tại Đại học Quốc phòng ở Washington DC (Mỹ) cho biết khinh khí cầu do thám cũng có thể có khả năng “thu thập tín hiệu điện tử” và chặn liên lạc.
Theo tờ The New York Times, trong khi các vệ tinh do thám có thể nhìn thấy hầu hết mọi thứ, thì những khinh khí cầu được trang bị cảm biến công nghệ cao sẽ bay lơ lửng phía trên một địa điểm lâu hơn và có thể thu sóng vô tuyến, di động và các đường truyền khác không thể phát hiện được từ không gian.
Đó là lý do tại sao việc phát hiện khinh khí cầu ở Montana là việc quan trọng. Trong những năm gần đây, Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, vốn là cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, đã thiết lập lại thông tin liên lạc với các địa điểm vũ khí hạt nhân. Đó hẳn là một trong số các mục tiêu của TQ.
Viết trên trang The Conversation, ông Iain Boyd, giáo sư Khoa học Kỹ thuật Hàng không vũ trụ tại ĐH Colorado Boulder (Mỹ), cho biết các khinh khí cầu do thám được trang bị một số máy ảnh và công nghệ hình ảnh tinh vi, và hướng tất cả thiết bị đó xuống đất.
Khí cầu Trung Quốc bị chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi ngoài khơi bờ biển South Carolina hôm 4-2. Ảnh: REUTERS |
Ông Boyd giải thích rằng mặc dù vệ tinh vẫn là phương tiện do thám trên cao được ưa chuộng, nhưng khinh khí cầu bay thấp hơn, lơ lửng ở độ cao tương đương máy bay thương mại, nên có thể chụp ảnh rõ ràng hơn vệ tinh có quỹ đạo thấp nhất, theo ông Boyd.
Ông Boyd cho biết có hai loại quỹ đạo vệ tinh. Một là vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái đất. Những vệ tinh có quỹ đạo này tương đối gần mặt đất, và về mặt lý thuyết thì ở gần bao giờ cũng chụp được ảnh rõ nét hơn.
Tuy nhiên, bất lợi của các vệ tinh quỹ đạo thấp này là chúng liên tục di chuyển quanh Trái đất. Chúng mất khoảng 90 phút để hoàn tất một quỹ đạo quanh Trái đất. Như vậy, tốc độ này quá nhanh để chụp được rõ ràng những gì đang diễn ra bên dưới.
Loại quỹ đạo thứ hai gọi là quỹ đạo địa đồng bộ (lấy trái đất làm tâm, ở xa trái đất và cho phép vệ tinh quay trùng với quỹ đạo trái đất). Nhược điểm là khó nhìn rõ mọi thứ vì vệ tinh ở rất, rất xa. Lợi thế của loại vệ tinh này là cho phép các vệ tinh chụp ảnh liên tục, quan sát chính xác cùng một khu vực trên bề mặt Trái đất vì vệ tinh quay cùng quỹ đạo với trái đất.
Như vậy, việc dùng khinh khí cầu để do thám sẽ cho ra những bức ảnh rõ nét hơn.
Dùng khinh khí cầu do thám đã lỗi thời
Tuy nhiên, càng về sau, khi ngày càng xuất hiện nhiều công cụ hiện đại có chức năng tương tự thì việc sử dụng khinh khí cầu không còn phổ biến. Khinh khí cầu dần được thay thế, đầu tiên là máy bay trinh sát tầm cao U-2 và sau đó là vệ tinh trinh sát Corona, thế hệ vệ tinh do thám đầu tiên mà nhiều quốc gia sử dụng ngày nay.
Khinh khí cầu không phải là cách lý tưởng để do thám vì kích cỡ lớn và khó che giấu. Chúng di chuyển theo chiều gió và về cơ bản là không thể điều khiển được. Nhật đã từng cố gắng thả những khinh khí cầu mang bom xuống TP Seattle (bang Washington) trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng không thể điều khiển phương tiện này bay qua đó, theo CSIS.
Chiến đấu cơ Mỹ bay qua chiếc khinh khí cầu trước khi bắn hạ nó. Ảnh: REUTERS |
Khinh khí cầu phải mang theo cảm biến để thu thập thông tin, nhưng vì nó sẽ không bao giờ quay trở lại căn cứ nên phải có cách nào đó để chuyển dữ liệu đã thu thập được về căn cứ. Vào những năm 1960, Mỹ đã phát triển một công nghệ phức tạp cho phép một chiếc máy bay C-130 “hứng” lấy cảm biến được thả xuống từ các vệ tinh do thám từ các khí cầu này.
Tuy nhiên, đối với khinh khí cầu TQ thì việc đưa máy bay lớn vào lãnh thổ Mỹ để hứng cảm biến này là không thể. Còn nếu để cảm biến rơi xuống thì phải có người túc trực ở Montana hoặc Labrador, cũng là lựa chọn mạo hiểm.
Còn một trường hợp là khinh khí cầu TQ truyền dữ liệu lên các vệ tinh nhưng hiện tại chưa có báo cáo nào ghi nhận có sóng truyền từ khinh khí cầu. Đặc biệt, việc để các thiết bị cảm biến, chụp ảnh tiên tiến “một đi không trở lại” là sự lãng phí thời gian, tiền bạc.
TQ có các vệ tinh do thám bay qua Mỹ mỗi ngày để chụp ảnh, thu thập tín hiệu vô tuyến và các dữ liệu khác. Các vệ tinh tình báo ngoài không gian của TQ đã phát triển về số lượng và cải thiện đáng kể về khả năng thu thập dữ liệu trong 20 năm qua.
Trước đây, TQ chưa từng sử dụng khinh khí cầu để do thám trước đây và việc sử dụng khinh khí cầu sẽ là một bước lùi. Lời giải thích có khả năng nhất là đây là một quả khinh khí cầu thu thập dữ liệu về thời tiết bay lạc, theo CSIS.