Ngày 3-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo liên quan đến điều khoản giải thích từ ngữ. Theo đó, khoản 4 Điều 3 dự thảo quy định vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản, gồm kiếm, giáo mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Đề xuất mở rộng khái niệm vũ khí thô sơ
Đặc biệt, theo dự thảo “dao có tính sát thương cao” cũng được xác định là vũ khí thô sơ và được định nghĩa là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng quy định như dự thảo sẽ tăng tính răn đe với những người có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác… Tuy nhiên, theo ông, phương án này có một số hạn chế.
“Quy định này sẽ không hạn chế được nhiều trường hợp người dân thường, trẻ em sử dụng dao nhỏ, vật nhọn mất kiểm soát, mất lý trí, “giận quá mất khôn” khi giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống” - ĐB Cảnh nói và đề nghị mở rộng quy định về các loại vũ khí thô sơ gồm dao, vật sắc nhọn, các vật dụng, đồ dùng được đập vỡ, cắt rời thành những vật sắc nhọn có tính sát thương cao…
ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đánh giá dự thảo đã đưa những phương tiện, công cụ mà Điều 134 (tội cố ý gây thương tích) của BLHS gọi là hung khí nguy hiểm vào khái niệm vũ khí thô sơ.
“Việc này tác động rất lớn, có thể gây nhiều thay đổi trong áp dụng pháp luật, dẫn đến phải hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật, bộ luật, văn bản dưới luật” - theo ĐB Đắk Nông.
ĐB Trần Thị Thu Hằng cũng nhận định quy định trên còn nhiều bất cập vì đi theo hướng liệt kê, bỏ qua các vật dụng thường xuyên trở thành vũ khí tự nhiên như rựa, dao Thái Lan có chiều dài lưỡi dưới 20 cm, chày, cuốc, thuổng, đục, cưa… khi các đối tượng có xung đột.
Bên cạnh đó, dự thảo xác định những loại vũ khí hiện nay giới trẻ hay sưu tầm, đồ chế, sử dụng như kiếm, giáo mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm… nhưng bỏ qua nhị khúc, gậy. “Nếu giải thích khái niệm bằng phương thức liệt kê thì cần liệt kê đầy đủ hơn nữa, ít nhất là những loại vũ khí phổ thông, thường thấy” - bà Hằng đề nghị.
“Rất khó xác định khi nào dao được xem là vũ khí…”
Trong khi đó, ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) lại cho rằng dao là công cụ dễ thấy, xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án và thực tế xu hướng các loại tội phạm sử dụng vũ khí để gây án ngày một gia tăng, trong đó có dao.
Dù vậy, theo ông Bình, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý người sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí cũng sẽ phát sinh rất nhiều bất cập, mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật.
“Để đảm bảo tính ổn định xã hội, đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án luật tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa các tầng lớp nhân dân - đối tượng chịu sự tác động” - ĐBQH tỉnh Trà Vinh nói và cho rằng việc này nhằm đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, trong đó có dao, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Cũng theo ĐB này, dự thảo luật nên quy định cụ thể, rõ ràng loại dao nào được phép sử dụng hợp pháp thường ngày, những loại dao với đặc điểm như thế nào nên được kiểm soát trong hoạt động mua bán. “Như vậy mới có thể đảm bảo được tính toàn diện trong việc phòng ngừa tội phạm lẫn trong sinh hoạt đời thường, không gây xáo trộn trong đời sống của người dân” - vẫn lời ĐB Bình.
ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) bày tỏ băn khoăn khi thực tế rất khó xác định khi nào dao được xem là vũ khí, khi nào dao được sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.
“Có những trường hợp, dao đang là vật dụng hằng ngày, sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân nhưng khi sử dụng để gây án, nó được xem là vũ khí mang tính sát thương cao” - ông Thắng nói và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ, toàn diện hơn để có quy định chặt chẽ hơn nội dung này.
ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị Bộ Công an phải có thông tư quy định cụ thể, tránh xử lý oan, sai đối với các trường hợp sử dụng dao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt tại gia đình. “Cần phân định cụ thể các loại dao được xếp vào nhóm vũ khí thô sơ dựa trên tiêu chí độ sắc bén, kích thước, sát thương cao… thuộc danh mục do Bộ Công an ban hành” - bà Thu nêu quan điểm.
Dao dùng trong sinh hoạt hằng ngày có phải khai báo?
Một nội dung đáng chú ý khác, theo khoản 2 Điều 32 dự thảo, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn nơi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc cư trú.
ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nhận xét quy định trên chưa đảm bảo tính minh bạch. “Kinh doanh ở đây là mua bán, vậy có phải mọi trường hợp mua bán đều phải thực hiện khai báo và khai báo như thế nào? Dù không sản xuất nhưng cửa hàng của họ lại bán những con dao có tính sát thương cao thì việc khai báo sẽ như thế nào?...” - ông Ngọc Ba nêu vấn đề.
Theo ông, dù giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng luật cần quy định rõ hơn để tránh những quy định xâm phạm đến quyền của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) nêu thực tiễn thi hành, tất cả loại tội phạm khi sử dụng dao phạm tội đều lấy dao của gia đình. “Chúng ta chỉ yêu cầu khai báo với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vậy trong sinh hoạt hằng ngày, dao có phải khai báo hay không” - ông Sang nói và nhìn nhận nếu dao trong sinh hoạt phải khai báo thì từ thành thị đến nông thôn, nhà nào cũng có dao, dao nào cũng xếp vào loại vũ khí hoặc hung khí.
Theo nghị trình, QH dự kiến biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào ngày 28-6.
Sớm xây dựng văn bản hướng dẫn
Sơ bộ thống kê trong dự thảo, luật này có tới chín nghị định của Chính phủ, 25 thông tư hoặc quyết định của bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an. Song song với việc trình dự thảo luật trước QH, tôi đề nghị ban soạn thảo cần triển khai ngay việc xây dựng các văn bản hướng dẫn để đưa luật vào cuộc sống.
ĐB ĐỖ NGỌC THỊNH (đoàn Khánh Hòa)
“Khi vận chuyển dao phải đóng hộp”
Nếu quy định khi buôn bán, vận chuyển dao phải đóng hộp quấn lại hoặc bỏ vào tủ kính rồi khóa lại… cũng góp phần giảm thiểu rủi ro, góp phần hạn chế tội phạm bởi khi đó nếu muốn sử dụng liền thì cũng không được.
ĐB NGUYỄN THANH SANG (đoàn TP.HCM)
Cần dừng cho dân sử dụng pháo hoa
Đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét và dừng lại việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng không đem lại lợi ích gì cho nhân dân mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ và sức khỏe của người dân.
ĐB HUỲNH THỊ PHÚC (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu)
Đánh giá đa chiều, kỹ lưỡng
Quá trình xây dựng, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo, Chính phủ đã chỉ đạo về cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá về những tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng.
Từ đó, đề xuất nội dung quy định trong dự thảo luật đảm bảo về tính khả thi, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng Bộ Công an TRẦN QUỐC TỎ