Tránh tình trạng ‘đồng chịu trách nhiệm’ trong điều hành giá điện

(PLO)- Dự thảo về cơ chế điều chỉnh mức giá điện bình quân có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng tờ trình dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo có nhiều điểm mới so với các lần lấy ý kiến trước đây và so với Quyết định 24/2017 đang áp dụng.

Đề xuất thêm bộ, ngành phối hợp điều hành giá điện

Trước hết là về việc điều hành giá điện, Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước, là cơ quan chủ trì kiểm tra, giám sát về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Tài chính giữ trách nhiệm phối hợp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá.

Trước đó, khi góp ý cho dự thảo, Bộ Tài chính không muốn “đồng trách nhiệm” trong điều hành giá điện với Bộ Công Thương. Bộ Tài chính đã từng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của họ tại dự thảo quyết định và bỏ nội dung “Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính”. Thay vào đó, Bộ Tài chính chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn.

Giá điện
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được áp dụng theo quy tắc thời gian giữa hai lần điều chỉnh là sáu tháng. Ảnh: EVNHANOI

Ngoài ra, để minh bạch hơn quá trình xem xét điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô.

Về thời gian điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất rút ngắn từ sáu tháng xuống ba tháng một lần. Về lợi nhuận định mức, bộ đề xuất không quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức. Đồng thời đề xuất “tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện, bao gồm cả chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm”. Bộ Công Thương cho rằng làm như vậy để đảm bảo việc xem xét chênh lệch tỉ giá đánh giá lại trong tính toán giá bán lẻ điện năm được áp dụng xuyên suốt, thống nhất, không có cách hiểu khác sau khi Quyết định thay thế Quyết định 24/2017 được ban hành.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá điện ở mức tương ứng. Khi giá điện bình quân tăng từ 3% so với giá hiện hành thì EVN được phép điều chỉnh tăng. Đối với thẩm quyền điều chỉnh giá điện, EVN được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5% khi thông số đầu vào biến động. Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%. Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

EVN phải tính đúng giá thành và cần gắn trách nhiệm của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý giá vào phần giám sát giá thành sản xuất điện.

Tránh tình trạng “đồng chịu trách nhiệm”

Trước đề xuất của Bộ Công Thương, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), cho hay từ trước đến nay khi điều chỉnh giá điện hay giá các mặt hàng khác có ảnh hưởng đến lạm phát thì Tổng cục Thống kê vẫn phối hợp để đánh giá tác động.

“Việc quy định vai trò, trách nhiệm phối hợp của Tổng cục Thống kê vào trong văn bản pháp luật là không cần thiết. Lý do là dù không quy định vào văn bản pháp luật nhưng có chỉ đạo thì Tổng cục Thống kê vẫn làm. Theo tôi, nên đưa ít cơ quan vào để đồng chịu trách nhiệm vì rất khó xử lý trách nhiệm tập thể, chỉ cần một bộ chịu trách nhiệm chính là đủ” - ông Lâm nói.

Tiếp tục chia sẻ, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay vấn đề quan trọng là EVN phải công khai, minh bạch giá thành và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. EVN phải tính đúng giá thành, những khoản không được tính trong giá thành thì không được phép đưa vào và cần gắn trách nhiệm của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý giá vào phần giám sát giá thành sản xuất điện.

Ngoài ra, trong tờ trình dự thảo quyết định có nội dung trong trường hợp cần thiết Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN cùng các đơn vị thành viên. TS Lâm cho rằng không nên để EVN đứng ra thuê tư vấn vì như thế chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Bộ Công Thương mới là đơn vị cần đứng ra thuê tư vấn độc lập để thẩm tra nhằm có kết quả khách quan nhất.

Tiếp tục trao đổi, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá vấn đề giá điện có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Mỗi điều chỉnh tăng hay giảm giá điện đều phải xét đến cân đối vĩ mô.

“Tôi cho rằng việc rút ngắn thời gian được điều chỉnh giá bán điện bình quân từ sáu tháng xuống ba tháng là hợp lý để kịp thời điều chỉnh với những biến động giá cả các chi phí đầu vào của giá điện. Tuy nhiên, việc để EVN có thẩm quyền điều chỉnh tăng giá điện từ 5% trở xuống vẫn là mức cao, chỉ nên quy định 3% còn trên mức đó nên là Bộ Công Thương quyết định” - ông Thịnh góp ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, giá điện tăng hay giảm phụ thuộc nhiều yếu tố, chủ yếu là biến động các chi phí về giá đầu vào, đầu ra và vấn đề quan trọng nhất là khâu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về việc tăng giá điện.

Về giá, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước sâu sát nhất và phù hợp thì cần tiếp tục phối hợp quản lý về lĩnh vực này như đề xuất của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì đây là cơ quan quản lý trực tiếp về vốn liếng, tài sản, các khoản chi phí của EVN.•

Hiện nay, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định 24/2017 và áp dụng theo quy tắc thời gian giữa hai lần điều chỉnh là sáu tháng. Tuy nhiên, quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam mới điều chỉnh giá điện ba lần. Năm 2023, có hai lần tăng giá điện với tổng mức tăng là 7,5%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm