Thêm đề xuất mới về phối hợp điều hành giá điện

(PLO)- Bộ Công Thương đề xuất có thêm các bộ, ngành liên quan phối hợp điều hành, thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, với nhiều đề xuất mới được đưa ra.

Trong việc điều hành giá điện, Bộ Công Thương đề xuất các bộ, cơ quan liên quan tham gia, phối hợp với các nội dung liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương vẫn là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Bộ sẽ hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.

Trong khi đó, Bộ Tài chính giữ trách nhiệm phối hợp ở khía cạnh là cơ quan quản lý nhà nước về giá.

giá điện
Bộ Công Thương đề xuất có thêm các bộ, ngành liên quan phối hợp điều hành, thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

Để minh bạch hơn quá trình xem xét điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu có liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.

Trước đó, vào tháng 11-2023, khi góp ý cho dự thảo, Bộ Tài chính đã từng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của họ tại dự thảo Quyết định và bỏ nội dung "EVN gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính".

Thay vào đó, Bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc tác động lớn. Nếu giá điện bán lẻ bình quân tăng 5-10%, Bộ Công Thương chủ động rà soát và có ý kiến với phương án EVN trình. Nếu giá điện tăng 10% trở lên, ảnh hưởng tới vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ là một trong số các bộ, ngành góp ý về phương án giá sau rà soát của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, trong dự thảo mới nhất, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vẫn được giữ nguyên như các bản dự thảo trước, rút từ 6 tháng xuống còn 3 tháng/lần.

Về cơ chế điều chỉnh giá điện, dự thảo đề xuất khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm tương ứng. Ở chiều ngược lại, khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng.

Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến cụ thể. Căn cứ ý kiến của Chính phủ, Bộ Công Thương thông báo để EVN thực hiện điều chỉnh giá.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm