Tại buổi lễ (tổ chức ngày 17-6), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Thái Huy Hoàng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành đã trao bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân gia đình liệt sỹ.
Di ảnh liệt sĩ Phan Văn Hạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tá Nguyễn Văn Tý – Trưởng ban cơ yếu Lữ đoàn 146 (Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân) và lãnh đạo xã Vĩnh Thành đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh của liệt sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên vợ, con, gia đình liệt sĩ. Đồng thời, phát động phong trào thi đua học tập, nêu gương liệt sỹ Phan Văn Hạnh bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Như Pháp Luật TP HCM đã đưa tin, sáng ngày 18-1, Trung úy Hạnh và đồng đội làm nhiệm vụ đi tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C bằng xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng chở Trung úy Hạnh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên, thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm chiếc xuồng lật úp khiến trung úy Hạnh hy sinh. Ngay sau đó, thi thể anh được chuyển lên đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu hải quân về cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đơn vị, đồng đội và người thân đã đón thi thể anh về BV 175 - Bộ Quốc phòng, làm lễ truy điệu. Gia đình xin đưa thi hài anh Hạnh về an táng tại quê nhà (ở xóm Trung Thành, xã Vĩnh Thành). Ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký QĐ số 397 về việc công nhận và cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sỹ Phan Văn Hạnh.
Anh Hạnh là con đầu trong gia đình có bốn anh, chị em. Bố mẹ anh Hạnh đều làm nông nghiệp. Tốt nghiệp THPT anh Hạnh ở nhà giúp bố, mẹ làm ruộng. Hai năm sau, tháng 3-2003, anh Hạnh tròn 21 tuổi, đã xung phong lên đường nhập ngũ vào tiểu đoàn 865 thuộc lữ đoàn 126 Hải Quân. Sau ba tháng huấn luyện, anh Hạnh được điều sang kho 862 thuộc cục kỹ thuật Hải Quân. Tháng 12-2003, anh Hạnh chuyển về Trung đội vệ binh của Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân. Năm 2005, anh Hạnh được phong hàm hạ sĩ và được cử đi học tại lớp máy tàu Tiểu đoàn 5,Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Sau khi tốt nghiệp, anh Hạnh về làm nhân viên thiết bị bờ trạm 94, căn cứ biển đảo Hậu cần kỹ thuật 696 Hải quân. Từ tháng 5-2013 đến nay, Trung úy Hạnh được điều động về Lữ đoàn 146 công tác.
Năm 2007, trong chuyến nghỉ phép về quê, anh Hạnh đã nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Dung, ở gần nhà, sau nhiều năm yêu nhau. Năm 2008, con gái vợ chồng anh Hạnh là bé Phan Thùy Dương chào đời, khi anh Hạnh đang công tác xa nhà. Hoàn cảnh bố, mẹ và vợ, con của anh Hạnh thuộc diện khó khăn.