TAND TP.HCM vừa đình chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu của bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ Hoa Kỳ), đồng thời tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của vợ chồng ông LQT - người liên quan trong vụ án.
Bị đánh tráo giấy tờ nhà bản chính
Theo hồ sơ, bà Huệ là chủ sở hữu một căn nhà ở phường 10, quận Phú Nhuận. Do chuẩn bị xuất cảnh nên bà đăng tin rao bán nhà, sau đó có người tới coi nhà và yêu cầu bà cho xem giấy tờ nhà đất bản phôtô. Vài ngày sau, lại có người khác tới coi nhà, yêu cầu bà cho xem giấy tờ nhà bản chính. Không quan sát cẩn thận, bà Huệ đã bị người này tráo giấy tờ nhà bản chính bằng bản giả rồi trả lại mà bà không hề hay biết.
Sau đó, bà Huệ không bán được nhà nên cho người thuê rồi xuất cảnh đi nước ngoài. Một thời gian sau, do người thuê nhà không trả tiền, bà Huệ nhờ em gái tới xem thì mới biết căn nhà đã bị một phụ nữ dùng giấy tờ nhân thân (giả) mạo danh bà và dùng giấy tờ nhà đất bản chính bán cho vợ chồng ông T. theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 17-10-2012 tại Văn phòng công chứng (VPCC) Gia Định.
Bà Huệ tố cáo sự việc ra Công an TP.HCM. Cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời kê biên căn nhà, giao lại cho bà Huệ quản lý. Đến tháng 1-2014, do thời hạn điều tra đã hết nhưng chưa xác định được đối tượng gây án (người phụ nữ mạo danh bà Huệ), cơ quan công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, chờ khi nào xác định được đối tượng gây án sẽ phục hồi điều tra, xử lý.
Các ảnh bà Huệ cung cấp cho cơ quan chức năng để tố phía mua nhà cho người chiếm giữ trước sân, khóa cửa hơn ba tháng cho đến khi công an vào cuộc. Ảnh: H.YẾN
Nhiều bên cùng khổ
Sau đó, bà Huệ khởi kiện VPCC Gia Định ra TAND TP.HCM. Bà yêu cầu tòa tuyên hợp đồng mua bán nhà giữa người phụ nữ mạo danh bà với vợ chồng ông T. là vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng này. Bà cũng yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông T., người liên quan trong vụ án, phải trả lại cho bà toàn bộ bản chính giấy tờ nhà đất mà họ đang giữ.
Làm việc với tòa, vợ chồng ông T. cho biết đã mua nhà với giá 3 tỉ đồng, đã thanh toán đầy đủ và được giao nhà từ ngày 9-10-2012 (khoảng thời gian bà Huệ cho thuê nhà). Đến ngày 24-10-2012, bà Huệ xuất hiện xưng là chủ sở hữu căn nhà và ngăn chặn không cho ông bà làm thủ tục sang tên, đồng thời trong lúc ông bà đi vắng đã cho người vào chiếm giữ nhà.
Vợ chồng ông T. cho rằng họ là người bị hại trong vụ lừa đảo bán nhà này. Ông bà đồng ý với việc tuyên bố hợp đồng mua bán nhà vô hiệu nhưng không đồng ý yêu cầu hoàn trả bản chính giấy tờ nhà của bà Huệ. Mặt khác, ông bà có yêu cầu độc lập là VPCC Gia Định phải bồi thường cho ông bà số tiền mua nhà vì không phát hiện ra sự giả mạo khi công chứng hợp đồng mua bán nhà.
Trong khi đó, VPCC Gia Định đồng tình với yêu cầu của bà Huệ về việc tuyên vô hiệu và hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà giữa người phụ nữ mạo danh bà Huệ với vợ chồng ông T. Bởi lẽ cơ quan công an đã điều tra làm rõ có sự giả mạo bà Huệ cùng giấy tờ nhân thân để tham gia giao dịch hợp đồng mua bán nhà. VPCC cho rằng mình không thể phát hiện ra sự mạo danh này bằng mắt thường vì đối tượng giả mạo toàn bộ thông tin của bà Huệ quá tinh vi, trong khi giấy tờ nhà đất lại là thật.
Về yêu cầu đòi bồi thường của vợ chồng ông T., VPCC Gia Định không đồng ý, lập luận rằng trước đó ông T. có thừa nhận thực chất giao dịch mua bán nhà nhằm đảm bảo cho việc cho vay tiền (hợp đồng giả cách). Điều này cho thấy giữa vợ chồng ông T. với người phụ nữ mạo danh bà Huệ phải có mối quan hệ thân thiết thì mới có việc vay mượn tiền và ông T. có biết người này trước khi mua bán nhà…
Chưa xác định đối tượng gây án
Năm 2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần đầu, tuyên chấp nhận các yêu cầu của bà Huệ, đồng thời buộc VPCC Gia Định phải bồi thường cho vợ chồng ông T. 3 tỉ đồng.
Bản án này sau đó bị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy theo thủ tục phúc thẩm. Tòa phúc thẩm nhận định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất tại VPCC là tài liệu, chứng cứ trong vụ án hình sự mà cơ quan công an đang tạm đình chỉ. Đồng thời, nhà đất cũng đang bị kê biên trong vụ án hình sự. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của vợ chồng ông T. trong vụ án dân sự thuộc trường hợp người phạm tội phải bồi thường trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 42 BLHS. Việc này sẽ được xem xét, giải quyết trong phần dân sự của vụ án hình sự.
Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm đưa vụ án dân sự ra xét xử và tuyên hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng nhà là đã hủy bỏ tài liệu, chứng cứ của vụ án hình sự, vi phạm Điều 76 BLTTHS. Mặt khác, vụ án hình sự do công an khởi tố chưa xác định được đối tượng gây án, chưa đủ cơ sở vững chắc để loại trừ vai trò liên quan và trách nhiệm liên đới của công chứng viên công chứng hợp đồng mua bán nhà ra khỏi vụ án hình sự; chưa đủ cơ sở kết luận vợ chồng ông T. đã giao cho đối tượng gây án 3 tỉ đồng. Vì vậy, tòa sơ thẩm buộc VPCC bồi thường cho vợ chồng ông T. là chưa đủ căn cứ.
Tại phiên xử sơ thẩm lần hai mới đây, TAND TP.HCM cho biết vào ngày 22-8-2017, bà Huệ tự nguyện rút các yêu cầu khởi kiện nên tòa đình chỉ giải quyết vụ án. Còn về yêu cầu độc lập đòi VPCC Gia Định bồi thường thiệt hại của vợ chồng ông T., tòa cho rằng việc này sẽ được xem xét, giải quyết trong phần dân sự của vụ án hình sự mà cơ quan công an đang tạm đình chỉ. Mặt khác, tháng 7-2017, tòa có công văn gửi cơ quan công an hỏi về việc đã phục hồi điều tra vụ án hay chưa, đã xác định được đối tượng giả danh bà Huệ hay chưa... nhưng đến nay chưa được trả lời. Do vậy theo tòa, cần phải tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu của vợ chồng ông T. để chờ kết quả điều tra của vụ án hình sự.
Quy định liên quan Theo Điều 25 BLTTHS, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo điểm 1 Mục I Công văn số 121/2003 của TAND Tối cao, phần dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: Đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt nhưng đã bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. |