Mạnh tay với nạn giả mạo giấy tờ nhà đất

“Khoảng 8-9 năm nay, tình trạng giả mạo giấy tờ nhà đất rộ lên, không chỉ gây bức xúc cho người dân, thiệt hại cho người mua ngay tình mà còn trở thành nỗi ám ảnh của các công chứng viên (CCV)” - ông Nguyễn Trí Hòa, Phó Chủ tịch Hội CCV TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm về tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng và văn bản công chứng vô hiệu do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức ngày 17-9.

Mới chỉ xử lý phần ngọn

Ông Hòa cho biết tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng rất đa dạng, vừa có giả chủ thể vừa có giả mạo giấy tờ với thủ đoạn ngày càng ranh ma, kỹ thuật ngày càng tinh vi. “Có lần cơ quan công an đưa ba hợp đồng công chứng giống hệt nhau và hỏi anh CCV trong số này bản nào là chữ ký thật của anh. Sau một hồi quan sát, CCV chỉ vào một bản. Tuy nhiên, thực tế cả ba bản hợp đồng đều là giả!” - ông Hòa kể.

Một trong những vướng mắc hiện nay là quy trình phối hợp xử lý với cơ quan chức năng khi CCV phát hiện có dấu hiệu giả mạo trong hoạt động công chứng chưa được chặt chẽ. Có trường hợp cơ quan công chứng thông báo nhưng công an đến trễ, thậm chí không đến. “Có khi công an đến nhưng mời luôn CCV về trụ sở làm việc. Điều này vừa mất thời gian vừa gây ức chế cho người phát hiện” - ông trình bày.

Theo ông Hòa, chính vì những lý do trên nên khi phát hiện giấy tờ giả mạo, các cơ quan công chứng không mặn mà báo công an mà chủ yếu chỉ cảnh cáo miệng, giữ giấy tờ và cho những người liên quan về. Cách xử lý này vô tình góp phần tạo tâm lý thoải mái cho các đối tượng lừa đảo. Họ không e sợ nên sẽ tiếp tục làm giả giấy tờ” - ông nhận xét.

Đại diện Hội CCV TP kiến nghị Công an TP có văn bản chỉ đạo công an địa phương tích cực phối hợp xử lý khi được thông báo giả mạo trong hoạt động công chứng. Trường hợp giả mạo giấy tờ, công an phải truy tận gốc các tổ chức, cá nhân chuyên làm giấy tờ giả để trừng trị nghiêm minh. Nếu chỉ hớt phần ngọn thì giấy tờ giả mạo ngày càng lộng hành.

 
Căn nhà F29, cư xá Phú Lâm B, quận 6 (TP.HCM) bị ách đăng bộ nhiều tháng qua do chủ cũ tố bị mạo danh. Ảnh: Cẩm Tú

Công an sẽ phối hợp xử lý

Có mặt tại tọa đàm, ông Võ Hữu Nghĩa, Phó Trưởng PC45 - Công an TP.HCM, cho hay đến hôm nay ông mới biết có phản ánh như trên từ các cơ quan công chứng. “Công an TP đã có văn bản chỉ đạo và truyền đạt công an địa phương phải phối hợp xử lý kịp thời khi nhận được thông báo có dấu hiệu giả mạo trong hoạt động công chứng. Trước những phản ánh này, Công an TP sẽ có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh lực lượng ở địa phương” - ông khẳng định.

Theo ông Nghĩa, nếu có tình huống công an thờ ơ không phối hợp hay làm khó CCV, các cơ quan công chứng nên có văn bản gửi PC45, nêu đích danh để Công an TP xử lý kịp thời. Ngay sau buổi tọa đàm này, PC45 sẽ báo cáo với lãnh đạo Công an TP để “mối quan hệ giữa hai cơ quan được tốt hơn trong mục tiêu đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Về xử lý của phía công an, ông Nghĩa cho hay khó khăn là đối tượng làm giả giấu tung tích rất kỹ nên công an phần nào đó mới xử lý được phần ngọn. Hoặc người cầm giấy tờ giả nói họ không biết đó là giấy giả thì cũng khó xử lý hình sự. Ông đề nghị khi phát hiện dấu hiệu giả mạo, CCV cần báo ngay cho công an địa phương và giữ đối tượng để xử lý, còn “hậu quả như thế nào, mức độ ra sao sẽ tính sau”.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp - bà Phan Thị Bình Thuận cho hay rất mừng trước những phát biểu của phía cơ quan công an. Theo bà, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng. “Giấy tờ giả mạo ngày càng nhiều đang gây bức xúc, lo lắng cho người dân, thiệt hại nặng nề cho người mua ngay tình và gây áp lực lớn cho CCV” - bà Thuận bày tỏ.

Một số phương thức, thủ đoạn giả mạo trong hoạt động công chứng được ông Võ Hữu Nghĩa, Phó Trưởng PC45, chỉ ra:

- Đối tượng tìm hiểu tài sản đang bán, cho thuê và mượn giấy tờ nhà, đất phôtô để “đi kiểm tra” rồi làm giả. Sau đó tiếp cận lại chủ nhà để đánh tráo, thuê nhà hoặc trả tiền một ít để dọn vào ở rồi bắt đầu giả danh chủ nhà để bán.

- Thông qua người quen của chủ nhà, mượn giấy tờ nhà rồi trả bản giấy tờ giả cho chủ nhà và bán bằng giấy tờ thật.

- Chủ sở hữu thế chấp, cầm cố giấy tờ nhà đất. Người nhận thế chấp lại đem cầm cố thế chấp chỗ khác để lấy chênh lệch. Sau đó người này không có khả năng trả nên làm giấy tờ giả để bán hoặc cầm cố thế chấp tiếp.

____________________________________

56 vụ có dấu hiệu giả mạo giấy tờ đã được PC45 phát hiện trong năm 2014. Nhưng trong chín tháng đầu năm 2015 đã có 58 vụ. Trong tổng số 115 vụ, công an đã khởi tố 53 vụ với 51 bị can. Hiện đang điều tra 17 vụ với chín bị can.

______________________________________

Các CCV khi phát hiện giả mạo phải báo công an chứ không được tự ý giải quyết nội bộ như vừa qua. Nên chăng cho phép nơi phát hiện vụ việc được chụp ảnh người giả mạo, chụp ảnh bộ giấy tờ giả và đưa thông tin lên mạng công chứng để tất cả tổ chức hành nghề công chứng khác đề phòng.

Ông NGUYỄN TRÍ HÒA, Phó Chủ tịch Hội CCV TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm