Thấy thông tin Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Bình Thạnh (TP.HCM) thông báo bán đấu giá căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng, phường 11, quận Bình Thạnh, bà Đoàn Thị Phú đăng ký tham gia và mua được căn nhà trên vào tháng 8-2012. Sau đó bà Phú nộp gần 3 tỉ đồng để được nhận nhà và toàn bộ giấy tờ liên quan.
Đi sang tên, lộ ra giấy giả
Nguyên căn nhà trên là của vợ chồng ông Lê Quang Hải và bà Châu Thị Minh Thảo, được họ thế chấp Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Nam Sài Gòn, Phòng giao dịch Tân Hưng để vay tiền.
Năm 2011, TAND quận Bình Thạnh đã buộc vợ chồng trên phải trả cho ngân hàng 1,8 tỉ đồng. Sau đó Chi cục THADS quận Bình Thạnh phát mại tài sản đang thế chấp (62D/31 Nguyên Hồng) để ngân hàng thu hồi nợ.
Câu chuyện không có gì để nói nếu không xảy ra tình huống bất ngờ. Sau khi công chứng và hoàn tất thủ tục thuế, bà Phú nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thạnh để sang qua tên mình thì được thông báo giấy đỏ của căn nhà mà bà Phú nộp là… giả. Cùng lúc, Công an quận Tân Bình cho hay cũng đang tạm giữ một bộ hồ sơ giấy tờ căn nhà trên. Sau đó tháng 3-2014, Công an quận Bình Thạnh cũng xác định giấy đỏ mà bà Phú được giao là giấy giả nên giữ lại nó để tiếp tục xác minh. Mãi gần một năm sau, vào tháng 2-2015, Công an Bình Thạnh thông báo vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của Công an TP.HCM nên chuyển toàn bộ hồ sơ kèm giấy giả cho PC45 (Công an TP) thụ lý.
Từ đó đến nay, trong khi các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ giấy tờ giả thì hồ sơ sang tên của bà Phú cũng bị ách lại theo.
Căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng hiện đang để trống, quyền lợi của người dân mua nhà phát mại ngay tình, đúng quy định lại bị “treo” trong thời gian dài. Ảnh: CẨM TÚ
Người mua ngay tình bị liên lụy
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Vũ, Chi cục phó Chi cục THADS quận Bình Thạnh, cho hay từ trước tới nay, ông chưa từng gặp trường hợp THA mà giấy tờ nhà bị làm giả như trên. Theo ông Vũ, toàn bộ giấy tờ nhà mà đơn vị nhận được rồi bàn giao cho bà Phú là do ngân hàng cung cấp. “Các cơ quan vẫn chưa xác định được bản chính giấy tờ thật đang nằm ở đâu, trong khi chủ căn nhà cũ (vợ chồng ông Hải, bà Thảo) thì đang ở trại giam vì một bản án khác. Quá trình bán đấu giá căn nhà cho bà Phú đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục. Chi cục đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thông báo về THA cho các đương sự liên quan, có văn bản xác minh căn nhà đấu giá vẫn thuộc sở hữu của người THA” - ông Vũ giải thích.
Theo ông Vũ, bà Phú là người mua nhà ngay tình, không liên quan vụ giấy tờ bị giả mạo. Bà Phú cũng đã nộp đủ tiền, quá trình THA thực hiện đúng quy định nghĩa là kết quả THA đã xong. “Luật THADS khẳng định pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu của người mua tài sản THA” - ông Vũ nhấn mạnh.
Còn vụ việc giấy tờ giả mạo do ai làm, phía ngân hàng đã nhận thế chấp giấy giả do sơ sót hay không là một việc khác và không liên quan đến bản án tòa tuyên, cũng không ảnh hưởng đến kết quả THA. “Thiệt hại cho ngân hàng là có thật, căn nhà thuộc chủ sở hữu của bên thế chấp là đúng, bản án tòa tuyên có hiệu lực, quá trình bán đấu giá đúng quy định. Vậy cớ gì không cấp giấy cho bên mua nhà?” - ông Vũ thắc mắc.
Ông Vũ cho biết thêm đã gửi kiến nghị đến PC45 và các sở, ngành liên quan xem xét cấp giấy cho bà Phú. Theo đó, cơ quan cấp giấy sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin về việc cấp giấy cho căn nhà trên, nếu không có tranh chấp khiếu nại thì giải quyết cho người mua đấu giá. “Sau này nếu xác định được bản thật của giấy đỏ do ai giữ thì đây cũng là giao dịch không hợp pháp, bị vô hiệu. Bởi vì nhà ở là tài sản khi giao dịch phải qua công chứng, thông qua cơ quan đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm” - ông Vũ nhận xét.
Đang chờ câu trả lời từ nhiều phía UBND quận Bình Thạnh cho hay đã có văn bản gửi Sở TN&MT đề nghị có hướng dẫn về nghiệp vụ giải quyết vụ việc trên. Quận cũng có văn bản gửi PC45 để hỏi có cần ngăn chặn giao dịch nhằm giữ nguyên tình trạng pháp lý về chủ sở hữu để phục vụ điều tra không. Ngoài ra, quận cũng gửi văn bản đến Sở Tư pháp để hỏi “có lưu ý với các cơ quan công chứng” với căn nhà nói trên. Nhận được văn bản, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP lại đề nghị quận Bình Thạnh cho biết về quá trình mua đấu giá đã hoàn tất chưa, quận đã liên hệ Công an quận Tân Bình để sao lục bộ hồ sơ chưa. Rồi ý kiến của Chi cục THADS quận Bình Thạnh thế nào, căn nhà có tranh chấp hay không… để có cơ sở hướng dẫn. Người mua đấu giá phải được bảo vệ Tương tự bà Phú, hai nền đất tại quận Thủ Đức do Trung tâm Bán đấu giá TP bán đấu giá thành công từ năm 2014 cũng bị vướng bởi bản án (đã được thi hành xong) bị hủy để xử lại. Những trường hợp bị ách hiện nay đều là những người mua lại từ người trúng đấu giá, đã sang tay nhiều đời chủ. Người mua cuối cùng có giấy đỏ nhưng hiện không được xây dựng, mua bán thế chấp, còn nhà nào đã xây thì không được hoàn công. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá TP, cho hay việc phát mại, bán đấu giá là do cơ quan THA thực hiện theo một bản án đã có hiệu lực. Do đó, kết quả của việc bán đấu giá phải được tôn trọng và thực hiện. “Tôi không đồng ý với cách xử lý trong các trường hợp trên. Bởi lẽ quyền lợi của người mua ngay tình, đúng pháp luật đã được bảo hộ tại Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản. Chỉ trừ khi thủ tục bán đấu giá có vi phạm, còn lại thì quyền lợi của người mua tài sản đấu giá phải được bảo hộ” - ông Sỹ khẳng định. |