Ngày 25-8, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Chi hội Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT tổ chức họp mặt và trao trả hồ sơ cho các cán bộ đi B.
Trong buổi lễ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III lựa chọn và trao trả bản sao 30 hồ sơ cho các cán bộ đi B đã từng công tác tại Bộ GD&ĐT; tổ chức cho cán bộ đi xem lại hồ sơ, kỷ vật gốc và tham quan triển lãm Kỷ vật thời thanh xuân.
|
Ông Trần Thư Nguyên (phải), người đã đi B lúc 26 tuổi chia sẻ với các chiến sĩ trẻ. Ảnh: VIẾT THỊNH |
Đây là chuỗi hoạt động tiếp tục nhằm nỗ lực đưa hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B được trở về với chính chủ nhân, người thân của cán bộ đi B mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời cũng là hoạt động thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước; nâng cao ý nghĩa giáo dục và truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết và nhận lại những hồ sơ, kỷ vật của mình.
Đồng thời Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng mong muốn được tiếp nhận những kỷ vật chiến trường và kỷ vật sau chiến tranh của những cán bộ đi B để quản lý trọn vẹn những ký ức, kỷ vật xuyên suốt hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ.
|
Một trong số những kỷ vật được trưng bày. Ảnh: VIẾT THỊNH |
Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như: Sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm…
Trong buổi lễ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III lựa chọn và sao trả bản sao 30 hồ sơ cho các cán bộ đi B đã từng công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Hồ sơ cán bộ đi B là một nguồn sử liệu quý, gắn với cuộc đời của hàng vạn con người trong chiến tranh, khi đất nước bị chia cắt”- bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nói.
|
Gặp lại đồng đội, xem lại các kỷ vật khiến cho nhiều người ở tuổi xưa nay hiếm rất xúc động. Ảnh: VIẾT THỊNH |
Có mặt tại sự kiện, bà Phạm Thị Hải Ấm tâm sự: “Trước khi đi chỉ biết mình đi vào miền Nam, vào cùng giải phóng mở trường cho con em miền Nam. Chia tay bố mẹ, anh em và không hẹn ngày về nhưng quyết tâm là quyết tâm”.
Được gặp lại các đồng đội của mình, xem lại những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những năm tháng chiến đấu hào hùng, bà Ấm bày tỏ, với các bà, những buổi gặp mặt ý nghĩa như thế này giúp thế hệ cán bộ công tác trong ngành giáo dục nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.